BÀI HỌC SỐ 1: THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM CỦA BẢN THÂN
Một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi học được trong chặng đường đồng hành cùng tự kỷ là việc tự thay đổi quan điểm (thậm chí nói rộng hơn là nhân sinh quan- thế giới quan) của mình về nhiều thứ trong cuộc sống. Tôi có hẳn “bài tập” để thay đổi quan điểm của mình và cũng từ đó thấm nhuần được câu “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”.
Hành trình luyện tập để thay đổi nhân sinh quan- thế giới quan của mình bắt đầu khi mình đi học phương pháp Son-Rise để can thiệp cho Bill. Như mình đã chia sẻ ở bài viết về các phương pháp can thiệp tự kỷ, hiệu quả của phương pháp này đối với trẻ tự kỷ vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học, nhưng hiệu quả của nó đối với các gia đình có con tự kỷ, và đặc biệt là với tâm lý của cha mẹ chúng, thì thực sự mạnh mẽ đến tuyệt vời. Điều mình học được nhiều nhất trong khóa học Son-Rise không phải là phương pháp chơi với con hay dạy con thế nào, mà là cách suy nghĩ và sống thực sự tích cực.
Ngày xưa, khi học môn Tâm lý học đại cương, mình biết rằng hành vi của chúng ta được hình thành theo cơ chế “Kích thích => Hành vi”. Sau này, mình được tiếp nhận thêm một thông tin nữa, rằng cái mũi tên (=>) dẫn từ Kích thích đến Hành vi đó còn ẩn chứa “Niềm tin/ Quan điểm cá nhân” ở trong đó nữa. Và sự thật là, khi chúng ta thay đổi phần Niềm tin/ Quan điểm đó, thì cùng một Kích thích tiền đề có thể sẽ dẫn đến Hành vi kết quả khác hẳn. Trong buổi học đó, mình đã phải thực hành viết ra một mối quan hệ Kích thích => Hành vi mang tính tiêu cực mà mình thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của mình. Khi đó, mình đã viết:
- Kích thích tiền đề: Bill ăn bánh mỳ chỉ ăn phần ruột trắng, vứt lại phần vỏ ngoài
- Niềm tin của mình: thằng bé chỉ muốn bày bừa ra khắp nhà để tôi phải dọn, việc kén ăn như vậy thực sự rất không ổn cho con, chắc vì Bill là trẻ tự kỷ nên mới có kiểu ăn uống kì quặc như thế
- Hành vi kết quả: ép Bill ăn vỏ bánh mỳ, cáu giận khi phải đi dọn đống bừa bãi do con vứt vỏ bánh mỳ
Sau đó, giáo viên đã yêu cầu chúng mình đọc kĩ lại phần “Niềm tin” và cố gắng tìm ra một cách suy nghĩ khác tích cực hơn về vấn đề. Sau một hồi tự ngồi suy nghĩ và kiểm điểm, mình viết ra một mô hình khác:
- Kích thích tiền đề: Bill ăn bánh mỳ chỉ ăn phần ruột trắng, vứt lại phần vỏ ngoài
- Niềm tin của mình: đơn giản là Bill không thích ăn vỏ bánh mỳ vì nó dai và cứng, trẻ con đa số đều kén ăn (chỉ là mỗi đứa lại kén một số thứ khác nhau thôi, mình ngày xưa cũng thế)
- Hành vi kết quả: chuẩn bị sẵn phần bánh mỳ tách riêng ruột cho Bill, hoặc lấy sẵn một cái khay để con tách vỏ bánh mỳ ra và để vào đó khi không muốn ăn, cảm thấy bình thường với việc con ăn cái này mà không ăn cái kia, lấy phần viền bánh mỳ Bill bỏ riêng ra để…tự mình chấm sữa đặc ăn sáng hoặc xắt nhỏ nướng lên để làm ceasar salad.
Sau này, mình nhận ra rằng cách thực hành này sẽ giúp mình có được cái nhìn tích cực trong mọi vấn đề trong cuộc sống. Vì thế, mỗi khi nhận ra mình đang suy nghĩ tiêu cực, mình sẽ ngồi viết ra mô hình “Kích thích => Niềm tin => Hành vi” như trên và cố gắng tìm một (hoặc vài) niềm tin thay thế cho phần Niềm tin tiêu cực mà mình đang có.
Dưới đây là một số thay đổi quan trọng về Niềm tin của mình liên quan đến Bill, và nhờ đó mà vợ chồng mình ngày càng cảm thấy tích cực hơn trên hành trình bên con:
1. Tự kỷ là một khuyết tật trọn đời (cái này là khoa học nói)
ð Rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn xử lý cảm giác có thể là một bộ phận tiến hóa hơn của loài người, là một sự đa dạng về khả năng của nhân loại (cái này là một quan điểm rất thú vị trích từ cuốn “Những trò chơi can thiệp sớm”- Barbara Sher). Xét theo một góc độ nào đó thì khả năng cảm nhận mọi vật về thính giác- xúc giác- vị giác- cân bằng (tiền đình)…gấp mấy chục hoặc mấy trăm lần người bình thường nghe cũng có vẻ giống mấy cái siêu năng lực trong X-men đấy chứ ^_^
2. Rốt cuộc thì tôi/ gia đình tôi đã làm gì sai mà con tôi lại bị tự kỷ như một hình phạt đối với chúng tôi như thế? Thật bất hạnh vì mình có một đứa con tự kỷ
ð Hẳn là tạo hóa đã nhìn nhận ra khả năng tích cực tiềm ẩn của gia đình tôi nên mới đưa Bill đến cùng hội chứng tự kỷ, để chúng tôi có cơ hội khám phá ra nguồn năng lượng tích cực vô hạn mà mình đang sở hữu. Bill cũng thật may mắn khi trở thành con của chúng tôi, vì chúng tôi có đủ yêu thương, kiên nhẫn và nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ và đồng hành cùng con.
3. Con mắc chứng tự kỷ tức là con sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc.
ð Hạnh phúc và hội chứng tự kỷ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Những người không mắc chứng tự kỷ thì cũng có người hạnh phúc và có người bất hạnh, nên người tự kỷ cũng vậy thôi. Ít nhất, hiện giờ Bill đang hạnh phúc vì con được yêu thương, được đặt trong môi trường mà những người thân cận nhất đều yêu thương con, mà có lẽ khi lớn lên con cũng chẳng phải đối diện với nhiều hiện thực xấu xí bên ngoài xã hội.
Mình vẫn ấn tượng với một cô bé tự kỷ 19 tuổi mà mình gặp trong chuyến đi Sài Gòn năm 2018- một đôi mắt trong veo, ngây thơ và thánh thiện mà có lẽ nhiều người đã chẳng còn giữ được ở độ tuổi ấy. Sau này, nếu Bill lớn lên thì mình thà rằng tự kỷ giúp con vẫn giữ được một đôi mắt trong veo như thế thay vì con mang một đôi mắt bớt thánh thiện hơn bởi những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống.
4. Trẻ tự kỷ thì sẽ chẳng có tương lai gì.
ð Thế nào gọi là có tương lai? Có một công việc tốt, có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hay kiếm được nhiều tiền? Hình như rất nhiều người được coi là “bình thường” cũng chẳng đạt được những thứ thuộc khái niệm “có tương lai” như vậy. Thế thì việc con tôi không đạt được một trong những thứ ấy, hoặc chẳng đạt được thứ nào trong đó, thì có gì là nghiêm trọng không? Mà sao tôi lại có thể khẳng định chắc chắn rằng con sẽ không đạt được những điều đó. Tôi không biết tương lai sẽ mang lại cho con điều gì (mà thực ra trong chúng ta có ai dám nói mình biết chắc tương lai sẽ ra sao đâu nhỉ?), cho nên tôi cứ tập trung vào hiện tại thì hơn là ngồi lo lắng vẩn vơ về tương lai.
5. Hành vi lặp đi lặp lại của con là biểu hiện đặc trưng thể hiện cho chứng tự kỷ. Đó là những hành vi tệ hại và đáng xấu hổ nên tôi cần phải xóa bỏ nó.
ð Những hành vi đó là cách duy nhất mà con biết để có thể làm dịu đi các vấn đề về giác quan hay vấn đề tâm lý mà con đang phải đương đầu. Chẳng có ai cố gắng ngăn tôi gãi lưng khi tôi đang ngứa hay ngăn tôi xoa thái dương khi tôi bị đau đầu, nên tôi cũng chẳng nên ngăn những hành vi lặp đi lặp lại của con. Thay vào đó, tôi có thể hướng dẫn cho con cách đương đầu với các vấn đề ấy theo một cách hợp lý hơn, ví dụ như đeo tai nghe hoặc bịt tai khi gặp phải những âm thanh khiến con khó chịu, thay vì la hét, chạy vòng quanh hay đập đầu vào tường. Ngoài ra, việc con mắc chứng tự kỷ là sự thật, nên việc con có biểu hiện của tự kỷ thì cũng là chuyện đương nhiên, chẳng có gì mà tệ hại hay đáng xấu hổ cả.
Một số niềm tin của mình có thể bị coi là hơi “ảo tưởng”, hơi AQ, nhưng mình gọi đó là “tư duy tích cực”. Xét cho cùng, chỉ có cái nhìn tích cực mới giúp chúng ta vui vẻ hướng về phía trước, và kết quả cuối cùng thì còn rất xa mới nhìn thấy được, nên tôi sẽ xem những suy nghĩ này là động lực cho chính bản thân mình.