PHẦN 3: NGUYÊN NHÂN CỦA CHỨNG TỰ KỶ

Ngày Bill bắt đầu có vấn đề về giao tiếp (khoảng 12 tháng), mình tin chắc rằng nguyên nhân của biểu hiện kém giao tiếp, kém kỹ năng của con là vì ở nhà con xem Youtube quá nhiều và chẳng hề được dạy các kỹ năng mới. Ông bà bận rộn với Bill và Tin (anh họ Bill - cũng là trẻ tự kỷ), Bill thì ngoan đến độ chỉ cần có TV thì ăn thun thút và ngồi im như cục bột, Tin thì khóc quấy suốt ngày và chỉ riêng việc cho ăn thôi đã tốn hết cả ngày. Vậy nên mình kiên định tin tưởng rằng chỉ cần Bill đi học nhà trẻ, với môi trường có nhiều bạn nhỏ, có các hoạt động phù hợp lứa tuổi, thì con sẽ mau chóng phát triển “bình thường”. Vậy nhưng sự thật lại chẳng phải như vậy. Sau này tìm hiểu, mình biết rằng môi trường xung quanh thực sự sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của trẻ , nhưng đó không phải là nguyên nhân gây ra tự kỷ. Vì vậy, nếu bạn hoặc ai đó lên án cha mẹ có con tự kỷ rằng “chắc nhà đấy bỏ bê con cái nên nó mới bị tự kỷ” thì tức là bạn đã sai rồi. Mình đã từng nghe một người mẹ rơi nước mắt tâm sự “Chị ạ, con nhà em hoàn toàn không hề  biết đến TV, iPad hay điện thoại, từ lúc sinh ra em đã dành thời gian chăm con, vậy mà bé vẫn bị tự kỷ, và chẳng ai tin điều đó. Họ đều bảo em không chăm sóc con nên con mới bị thế”. Cảm giác lúc ấy của mình bao gồm cả sự đau lòng cho người mẹ ấy và cả sự bất mãn vì cách người ta phán xét mà chẳng có chút kiến thức gì về vấn đề cả.

Trong vài lần nói chuyện, bằng cách này hay cách khác, mẹ chồng và mẹ đẻ mình đều đã đặt câu hỏi dạng “Liệu có phải ngày xưa con để Bill bị ngã nên nó bị tự kỷ không?”. Chắc đó chỉ là 2 người “dám” lên tiếng hỏi, còn rất nhiều người khác nghĩ thế mà không dám hỏi thôi. Mình đã cảm thấy ấm ức vô cùng, vì thực tế là hầu như đứa trẻ nào cũng bị va đập cộc trán này, và chẳng hề có cơ sở về việc chấn động não sẽ gây ra tự kỷ. Nhưng bất chấp việc mình nói đi nói lại, trình cả ra nội dung tài liệu và các trao đổi với các nhà chuyên môn hàng đầu, cả 2 mẹ đều không yên tâm, và thỉnh thoảng câu chuyện lại được khơi ra. Cực chẳng đã, năm ngoái vợ chồng mình đã chi 4tr cho con vào chụp MRI ở Vinmec, cho ra kết quả cấu trúc vật lý của não bộ hoàn toàn bình thường, để kết thúc “giả thiết” khiến mình ức chế suốt mấy năm qua.

Một “lý thuyết”  nữa mà mình từng nghe là “tự kỷ là do di truyền”. Thôi thì mình dốt Sinh học, nên bàn về biến dị hay di truyền này nọ thì mình chẳng đủ trình. Nhưng các nhà khoa học thì thống kê và bảo rằng nhiều khả năng đây chỉ là một trong những yếu tố thôi, chứ không thì đã có kiểu gia tộc tự kỷ rồi. Độ chính xác của lý thuyết này thì mình không đủ trình để bàn, nhưng ảnh hưởng của suy nghĩ này thì mình đã chứng kiến ở một số gia đình, và nó khá đáng sợ. Một bác sĩ người Singapore, mẹ của 2 bé tự kỷ, đã từng tâm sự rằng chị và chồng chị đã mất vài năm không dám nói chuyện với nhau về vấn đề của con cái, vì họ sợ rằng nội dung mình nói ra sẽ là sự tổn thương trí mạng tới đối phương. Còn ở Việt Nam, mình đã đọc được không biết bao nhiêu lời tâm sự của các bà mẹ có con tự kỷ và người chồng bỏ đi lấy vợ khác để “sinh được đứa con tốt hơn”.

Một “giả thuyết” khác đã hình thành dựa vào kết quả thống kê y dược, là tự kỷ phát sinh do ảnh hưởng của việc người mẹ bị trầm cảm hay sử dụng thuốc giữ thai trong quá trình mang thai, hoặc do các loại thuốc tác động vào trẻ sơ sinh (đặc biệt là vắc-xin). Cái này có lẽ xác xuất đúng cũng như lý thuyết về di truyền vậy, dân ngoại đạo như mình chẳng dám bàn, để dành cho các nhà nghiên cứu. Có điều, nếu một người mẹ trong quá trình mang thai bị dọa sảy, và bác sĩ bảo rằng nếu chị dùng thuốc giữ thai thì có thể con sinh ra sẽ mắc chứng tự kỷ, vậy người mẹ đó nên chọn dùng thuốc hay không dùng? Hay theo một số đồng chí anti-vaccine nói rằng tiêm vắc-xin gây nguy cơ tự kỷ thì bạn có dám bỏ tiêm vắc xin để con mình tự chống chọi với mấy chục căn bệnh hiểm nghèo ấy không? Mình đoán là đa số mọi người chọn dùng thuốc và tiêm vắc-xin nhỉ? Thực ra, cho tới bây giờ, các nghiên cứu về tự kỷ vẫn chỉ được triển khai khá cục bộ, và các kết luận chỉ mang tính thống kê xác suất chứ chưa có nhà nghiên cứu nào dám đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân của chứng tự kỷ. Vậy nên, xin đừng dựa vào chút kiến thức “dân gian” của mình mà đưa ra phán xét chắc nịch về những đứa trẻ tự kỷ và gia đình của chúng. Hơn ai hết, họ cũng mong các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân của tự kỷ, vì tìm ra nguyên nhân thì mới có hy vọng tìm được giải pháp, nhưng cho tới giờ câu trả lời của giới khoa học vẫn là “CHƯA BIẾT”. Nếu các bạn cần một giả thuyết khoa học tạm thời được công nhận, thì tự kỷ là khiếm khuyết trong phát triển thần kinh não bộ (nhưng về các liên kết thông tin nơron thần kinh chứ không phải kiểu vật lý có thể nhìn thấy qua chụp chiếu) và khiếm khuyết này có thể là kết quả tổng hợp của rất nhiều yếu tố, bao gồm cả di truyền, biến dị, môi trường thai nhi và môi trường sau sinh. Khi nào có kết luận khoa học mới thì mình sẽ update.

Phần 1: CHÚNG TA THẤT VỌNG VỚI TRẺ TỰ KỶ BỞI VÌ ĐÃ KỲ VỌNG QUÁ NHIỀU

Phần 2: TỰ KỶ TỨC LÀ THẾ NÀO?