PHẦN 8: CÁCH ỨNG XỬ VỚI GIA ĐÌNH CÓ TRẺ TỰ KỶ
Ngày 2/4 là ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ. Vì đã tự hứa từ rất lâu rồi nên hôm nay mình phải rút ra một chút thời gian trong đợt ngập lụt deadlines để hoàn thành một bài viết ấp ủ từ… năm ngoái.
Sau khi kết thúc chuỗi bài về tự kỷ vào tháng 4/2020, một người anh-người thầy đáng mến của mình đã nhắn tin chia sẻ với mình, và anh nói rằng anh hy vọng mình có thể viết thêm “hậu truyện” về việc “Những người xung quanh nên ứng xử thế nào cho phù hợp khi tiếp xúc với những gia đình có trẻ tự kỉ”, vì anh sợ lúc nào đó đến nhà mình chơi lại lỡ làm điều gì đó gây tổn hại (anh cứ lo quá thế, chứ cả gia đình anh toàn người đáng mến đáng yêu, làm sao có chuyện làm chuyện gì không ổn được).
Mình rất cảm ơn trăn trở của anh vì đã cho mình thêm ý tưởng để triển khai bài viết. Kể từ lần đó, mình bắt đầu để ý hơn, suy ngẫm và tích lũy từng chút một những điều mà bản thân mình hy vọng mọi người xung quanh có thể làm để giúp hành trình của gia đình mình dễ chịu và hạnh phúc hơn. Và hy vọng rằng những chia sẻ này, cũng như nội dung các bài viết trước đó, sẽ giúp mọi người có góc nhìn và cách tiếp cận tích cực hơn về hai chữ TỰ KỶ.
Tạm thời mình tổng kết được một số đặc điểm ứng xử của những người khiến gia đình mình, và đặc biệt là Bill, cảm thấy vui vẻ khi tiếp xúc.
- HIỂU & THẤU CẢM: điều quan trọng nhất mình hy vọng mọi người xung quanh có thể làm chính là việc hiểu được rõ hơn về tự kỷ và cảm thông với những vấn đề đang diễn ra với những người tự kỷ. Đây là nguyên nhân chính khiến mình cặm cụi viết bài chia sẻ và dành thời gian nói chuyện/chat với mọi người về các vấn đề của trẻ tự kỷ. Nếu bạn chưa hiểu gì về tự kỷ, mong rằng bạn có thể dành thời gian nghe thêm và đọc thêm, hoặc đơn giản nhất là bỏ ra 30 phút đọc những bài viết trong chuỗi bài mình chia sẻ. Nếu bạn đã hiểu một chút về tự kỷ, hẳn là bạn sẽ hiểu rằng trẻ tự kỷ phải đối diện với khá nhiều rối loạn giác quan và các vấn đề về cảm xúc, do đó, xin hãy thông cảm khi đứa trẻ ấy có hành xử kỳ lạ mà bố mẹ nó lại “chẳng biết dạy con”. Xin nhắc lại, điều mình cần là “thấu cảm” chứ không phải “thương hại”, vì xét ra thì gia đình mình và Bill đều đang có cuộc sống khá đầy đủ và hạnh phúc, chỉ là đặc điểm của con khiến gia đình mình cần có những lựa chọn khác đi thôi. Xin đừng phật lòng nếu vợ chồng mình từ chối đi chơi hay hoạt động gì đó vì phải ở nhà trông con, dù bạn có đề xuất “cho cả con đi cùng cũng được”. Có quá nhiều thứ có thể gây quá tải giác quan cho Bill khi ở bên ngoài, đặc biệt là những sự kiện tiệc tùng, sinh nhật…nên nếu không phải trường hợp cực kỳ quan trọng thì chúng mình thường cố gắng cho con ở nhà. Hoặc trẻ tự kỷ hay có “trò chơi xấu” (ví dụ: đùa bằng cách đánh người khác), thì không phải là bố mẹ chúng “để kệ không dạy” mà là việc xử lý những hành vi này không hề dễ dàng. Hãy cứ hình dung cách bạn trêu chọc một đứa bạn có máu “Hoạn Thư” về vấn đề tình cảm của nó. Nhiều người lặp đi lặp lại việc trêu chọc ấy vì…vui, vì nhìn cách nó phản ứng gay gắt cũng cảm thấy buồn cười, dù rõ ràng là hành vi này chẳng hay ho gì và gây sóng gió không nhỏ tới cuộc sống của người kia. Trẻ tự kỷ đánh người hay làm một số trò tương tự cũng vì tâm lý như vậy đấy, vì vui, vì việc đoán trước được cách người khác phản ứng gay gắt với một tác động mà mình đưa ra dễ khiến người ta có cảm giác thỏa mãn.
- LẮNG NGHE CHA MẸ CHÚNG NÓI: Khi quyết định cho Bill tới chơi bất cứ nơi nào, bọn mình cũng thường dặn chủ nhà cất dọn bớt những đồ trang trí dễ hỏng dễ vỡ, vì sức phá hoại của một đứa trẻ tự kỷ kèm tăng động là rất lớn. Nếu bạn nói “kệ nó, không sao đâu” thì khả năng cao và sau 15ph sẽ có một loại chuyện “có sao” xảy ra với đồ đạc quanh nhà đấy. Những đợt con thích trêu đùa bằng cách đánh, mình đều hạn chế cho con tiếp xúc với người khác, và khi nếu cần tiếp xúc thì sẽ dặn người đó là “đừng thể hiện phản ứng gì với việc bị Bill đánh, vì điều đó sẽ kích thích làm con muốn lặp lại hành vi đó hơn”. Mình biết điều này chẳng dễ dàng, nhưng nếu bạn không làm thế có thể con sẽ hào hứng thử trò này khoảng 5-10 lần nữa với bạn, cường độ thì chỉ tăng không giảm. Bon, một cô bé 3 tuổi, cũng đã phải học cách đối diện với vấn đề này theo lời hướng dẫn của mẹ. Mỗi khi bị anh Bill đánh, con bé không khóc, không la, không nhăn mày với anh mà chạy ra mách mẹ “mẹ ơi anh Bill đánh con”. Sau đó mình sẽ phạt Bill, yêu cầu Bill xin lỗi em Bon, và ôm Bon an ủi. Làm như vậy thì Bill sẽ giảm hứng thú với trò đánh em, vì chả có gì vui cả mà lại còn bị phạt, nên thử 1-2 lần rồi chàng sẽ thôi.
- TÔN TRỌNG ĐỨA TRẺ: Lần mình ấn tượng nhất về sự chủ động giao tiếp của Bill, là khi một đồng nghiệp của ông xã mình đến chơi nhà, và sau 1h đồng hồ thì Bill chủ động đi về phía cô ấy, đưa cho cô ấy một món đồ chơi trong bộ mà con đang chơi như một cách chào hỏi và mời cô ấy cùng chơi. Mình hiểu rằng con cảm thấy người đó thực sự rất tốt, rất an toàn, rất thu hút nên con muốn chơi cùng. Ngay lúc đó mình đã ngồi ngẫm lại xem quá trình cô ấy giao tiếp có gì đặc biệt kể từ lúc đến nhà mình. Tổng kết lại thì quá trình gồm có: chủ động cười chào hỏi Bill và không yêu cầu con chào lại (không hề có kiểu “Bill chào cô chưa?”), không cố gắng đến gần Bill hay tự ý lấy đồ chơi gì của con mà chỉ chơi những món đồ Bon mang đến khoe hay rủ chơi cùng, để kệ cho Bill quan sát mình trong thời gian dài mà không có nhìn lại con hay hỏi con, dành thời gian chơi vui vẻ với em Bon và thỉnh thoảng rủ Bill chơi cùng cô với Bon, nhưng khi Bill tỏ ra không sẵn sàng thì không cố nài ép gì.
- ĐỪNG ĐƯA LỜI KHUYÊN QUÁ NHIỀU: thời điểm các vấn đề của Bill được bộc lộ rõ ràng, vợ chồng mình (và chắc cả ông bà nữa) nhận được vô số những lời khuyên từ khắp mọi nơi, về các lĩnh vực khác nhau (khám ở đâu, học ở đâu, điều trị theo phương pháp gì, nguyên nhân là gì, dạy con thế nào, thậm chí cả... làm lễ giải hạn thế nào). Một số lời khuyên còn được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần dù rằng chúng mình đã nói là cách đó không phù hợp hoặc chưa thể thực hiện được ngay lúc này. Đã có thời điểm mình thấy rất dằn vặt vì tìm ra được hướng đi phù hợp cho con nhưng chưa biết nên thu xếp công việc và cuộc sống thế nào để có thể triển khai được. Tại thời điểm đó, mình rất biết ơn khi có người nói rằng “Cô đừng tự ép mình như thế. Nếu cô chưa sẵn sàng thì hãy cho mình thêm thời gian để thu xếp, Bill có thể đợi thêm một chút”, chứ không phải hối thúc mình “Phải làm ngay đi vì điều đó tốt cho con”. Hiện giờ thì tâm lý của gia đình mình khá vững vàng, kiến thức cũng đủ nhiều, nên mỗi lần như vậy mình đều bình tĩnh ngồi thảo luận về lời khuyên đó, giải thích rằng phương án đó không phù hợp với Bill, hoặc với gia đình mình tại thời điểm này, hoặc lên kế hoạch tìm hiểu thêm nếu phương án đó có vẻ phù hợp. Thời điểm cách đây 3-4 năm thì vợ chồng mình đôi lúc bị stress với quá nhiều lời khuyên và hỏi han như vậy, và chắc nhiều gia đình khi mới nhận chẩn đoán con tự kỷ thì cũng rơi vào tình trạng rối ren như thế. Bây giờ nhìn lại, mình sẽ cảm thấy vui hơn nếu mọi người hỏi “ Bạn X nhà Y cũng có vấn đề là..., bạn ấy đã thử phương pháp Z và tiến bộ nhiều. Liệu gia đình có muốn cho Bill thử phương pháp này không?/ Nhà Bill có muốn liên lạc với gia đình bạn ấy để hỏi kinh nghiệm không?” thay vì “Bạn X nhà Y cũng bị giống như Bill và làm theo cách Z nên đã khỏi rồi đấy. Sao không cho Bill làm theo như thế đi?”. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi đứa trẻ một khác, mỗi gia đình một lựa chọn. Để những lời khuyên thực sự là biểu hiện của sự quan tâm giúp đỡ thì hãy cho người nghe cơ hội được lựa chọn theo hay không theo, chứ việc khuyên dồn dập thì sẽ vô tình tạo áp lực lớn hơn đối với người nghe.
Cảm ơn cả nhà đã đọc bài. Nếu ai cần đọc lại những bài viết cũ của series này thì có thể theo các link bên dưới nhé.
Phần 1: CHÚNG TA THẤT VỌNG VỚI TRẺ TỰ KỶ BỞI VÌ ĐÃ KỲ VỌNG QUÁ NHIỀU
Phần 2: TỰ KỶ TỨC LÀ THẾ NÀO?
Phần 3: NGUYÊN NHÂN CỦA CHỨNG TỰ KỶ
Phần 4: VẤN ĐỀ TÂM LÝ CỦA CHA MẸ CÓ CON TỰ KỶ
Phần 5: CON ĐƯỜNG TÌM HIỂU VỀ ĐÁNH GIÁ TỰ KỶ
Phần 6: LỘ TRÌNH CAN THIỆP CHO TRẺ TỰ KỶ