Dù bản thân mình chính là người đầu tiên xác định ra rằng Bill đang gặp phải vấn đề trong giao tiếp và ngôn ngữ, mình vẫn tin chắc rằng con mình không thể bị tự kỷ, và sau này mình có tìm thấy nhiều biểu hiện tự kỷ hơn nữa ở Bill thì trong thâm tâm mình cũng không tin là con bị tự kỷ. Ông bà nội ngoại, họ hàng gần xa, rồi cả bạn bè của mình nữa, thì đến giờ vẫn còn chẳng tin rằng Bill là trẻ tự kỷ. Sự phủ định ấy được tạo nên bởi mọi người đều tin rằng tự kỷ tức là không giao tiếp, là buồn bã, là ngồi thu lu một góc, chứ còn Bill là đứa trẻ vui tươi khỏe mạnh, chạy nhảy khắp nơi thì sao gọi là tự kỷ được. Sau này ngẫm lại thì mình thấy biểu hiện chối bỏ này một phần xuất phát từ việc thiếu kiến thức về tự kỷ, một phần xuất phát từ tâm lý không chấp nhận con/cháu/người quen của mình lại bị gắn với một cái mác “tiêu cực” đến thế. Mình đã nghe rất nhiều câu chuyện về những gia đình chỉ có một người chấp nhận sự thật rằng đứa trẻ nhà mình mắc chứng tự kỷ (thường là mẹ, thi thoảng lắm là bố hoặc bà) còn tất cả các thành viên khác đều kiên quyết phủ nhận việc này. Mức độ phủ nhận cũng rất đa dạng, từ kiểu nghĩ rằng người mẹ/bố/bà ấy đang có tư tưởng lệch lạc trù ẻo con cháu, cho tới kiểu chấp nhận sự thật là đứa trẻ mắc chứng tự kỷ nhưng cấm tiệt mọi người trong nhà để lộ thông tin ấy ra vì sợ…mất mặt với người khác. Trong một vài trường hợp tệ hại hơn, người ta thậm chí có thể chối bỏ đứa bé bằng cách đưa nó vào trung tâm chăm sóc riêng và phủi tay, hoặc chì chiết đến độ nhiều người mẹ đã phải ly hôn và mang theo đứa con của mình để tự can thiệp cho con. May mắn là gia đình mình không rơi vào những trường hợp tệ hại ấy.

Sau này, khi cả gia đình đã chấp nhận sự thật rằng Bill là trẻ tự kỷ, thì một vấn đề nữa lại nảy sinh bởi câu hỏi “Tại sao Bill lại bị tự kỷ?”. Như đã chia sẻ trong bài viết Phần 3, mỗi người trong gia đình lại ôm những suy nghĩ khác nhau, và đa số mang tính đổ lỗi cho người khác, đồng thời tìm mọi bằng chứng để chứng minh rằng mình không có lỗi. Mình nghĩ rằng tại ông bà cho con xem TV quá nhiều và chẳng dạy con kỹ năng. Ông bà nghĩ rằng tại mình đã để cho Bill bị ngã, đã để cho Bill tự chơi một mình (những khoảng thời gian tự chơi theo các nguyên tắc nuôi con này nọ). Ông bà ngoại thậm chí còn nghĩ đến những vấn đề về tâm linh như ngày giờ sinh, phong thủy nhà cửa. Ở một số gia đình khác, người ta thậm chí đổ lỗi cho thông gia vì vấn đề di truyền (và nếu loại đổ lỗi này được phát ngôn ra thì chắc chắn là đôi bên cạch mặt nhau). Mãi cho đến khi mình đọc được thật nhiều thông tin rằng giới khoa học thế giới cũng chưa tìm ra nguyên nhân đâu, nên thôi đừng tự võ đoán và tổn thương nhau nữa. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn mà vợ chồng mình rất dễ cáu kỉnh, giận dữ bởi vì không biết phải làm gì cho con, và những cách can thiệp nhỏ nhoi mà chúng mình tìm hiểu được để thực hiện thì lại không nhận được sự cảm thông hay thấu hiểu từ những người khác. Khi mình nói rằng Bill phải dừng xem TV, Youtube các kiểu, ông bà vẫn cho xem vì tin rằng “có phải do xem mà nó bị tự kỷ đâu” và rằng “đang xem suốt ngày, giờ giảm xuống thì cũng phải xem một ít chứ”. Vợ chồng mình mệt mỏi khi phải giải thích với họ hàng và bạn bè khi họ cứ hỏi “Tại sao Bill lại bị thế? Có phải vì không để ý đến nó không? Phải cho nó đi chơi nhiều vào thì mới tốt chứ? Cho nó đến chỗ đông người nhiều thì nó mới không nhát chứ?....” hằng hà sa số các vấn đề và câu hỏi được đặt ra trong khi đa số mọi người đều không hiểu vấn đề của Bill là gì. Mình thậm chí bắt đầu thấy khó chịu cả với những người đặt câu hỏi đó, dù thực tế hầu hết những người này đều là bạn bè người thân, những người rất quan tâm đến gia đình mình. Có vài lần mình đã đọc chia sẻ khá hằn học của những mẹ có con tự kỷ rằng “Nhiều lúc ước cho con cháu của những người đó cũng bị tự kỷ, để họ thấu hiểu nỗi khổ của mình bây giờ”. Đọc đến đây, xin mọi người đừng vội phê phán những người mẹ như thế, họ chỉ đang trải qua giai đoạn tâm lý giận dữ bởi vì họ đã quá stress và khổ sở mà thôi.

Kết thúc giai đoạn đổ lỗi cho người khác, mình (và có lẽ vài thành viên khác trong gia đình) bắt đầu bước sang giai đoạn tự dằn vặt bản thân. Mình biết chắc rằng mẹ đẻ và mẹ chồng mình đều đã từng có những đêm nằm khóc vì thương Bill, vì cái suy nghĩ rằng “cả đời mình không làm việc gì ác mà tại sao cháu mình lại bị như thế? chẳng lẽ mình đã làm gì sai nên bị báo ứng?”. Mình đã từng rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý trầm trọng nhất kể từ khi sinh ra, bởi vì trong đầu lúc nào cũng quay quắt suy nghĩ rằng “dù lý do dẫn đến tình trạng tự kỷ của con là gì, dù là di truyền, là dùng thuốc khi mang thai, là chăm sóc không đủ tốt sau khi sinh,… thì đó chắc chắn là lỗi của mình. Mọi chuyện còn trở nên tệ hại hơn khi giai đoạn này mình mang thai Bon- bé thứ hai. Mình bắt đầu chuỗi ngày liên tục tự trách bản thân mình cho mỗi một biến động hay biểu hiện nho nhỏ của Bill. Khi Bill muốn mẹ ôm ngủ mất gần 1 tiếng, mà sự mỏi mệt khi mang thai khiến mình không duy trì được nên không chiều được con, Bill khóc rống lên không chịu ngủ, và mình ôm con khóc mãi. Khi đột nhiên một bạn nhỏ cùng lớp líu lo khoe mẹ “Mẹ ơi, bạn Bill lớp con kìa” và Bill hoàn toàn không hay biết, hoặc khi xem camera thấy các bạn đi tập văn nghệ hết chỉ còn một mình Bill loay hoay trong lớp, mình đã gục xuống khóc không kiểm soát nổi vì nghĩ rằng “thật tồi tệ khi mình sinh con ra mà chẳng thể cho con niềm vui bình thường”. Rồi mình lại bắt đầu khủng hoảng nghĩ “liệu rằng việc sinh Bon ra có phải là một sai lầm hay không? liệu rằng quyết định này sẽ khiến cả 2 đứa con của mình đều phải chịu thiệt thòi hay không?”. Mình gần như bị vây trong vòng xoáy tiêu cực của chính mình, mà tâm sự với những người khác hết lần này đến lần nọ vẫn không cứu vớt được.

Thế rồi, trong cơn khủng hoảng trầm trọng ấy, mình nhắn tin chat với cô bạn đang ở nước ngoài, và chỉ một đoạn chat của nàng ấy khiến mình bừng tỉnh để chui ra khỏi hố sâu của sự dằn vặt. Cô ấy nói “Em à, em đừng nghĩ mọi chuyện tệ như thế. Có thể bây giờ Bill chưa có bạn, nhưng sau này biết đâu con sẽ có, và cuộc đời chúng ta chỉ cần vài người bạn thân chứ đâu cần nhiều. Những người bạn từ thời mẫu giáo hay cấp 1 của em bây giờ đâu có đóng vai trò gì trong cuộc đời em, nên giờ Bill không có cũng chả sao mà. Mà dù sau này lớn lên Bill không thể kết bạn, thì Bill vẫn có người bạn tuyệt vời nhất trên đời - chính là mẹ của con. Vậy nên em chỉ cần yêu thương và làm bạn với Bill, thì Bill chắc chắn sẽ là chàng trai hạnh phúc”. Sau khi đọc đoạn chat ấy, mình có cảm giác cả linh hồn đang sống lại. Mình khởi đầu với niềm tin rằng chắc chắn mình sẽ giúp con có cuộc sống vui vẻ được, vấn đề bây giờ là tìm cách giúp con và đi từng bước trên hành trình ấy. Niềm may mắn tiếp theo lại đến với mình, khi cô bé sinh viên ngày xưa của mình bắt đầu hành trình làm người can thiệp cho trẻ tự kỷ, và giới thiệu cho mình về quan điểm Son-Rise. Giá trị khoa học của phương pháp này thì còn rất nhiều bàn cãi, và mình đã đọc nhận xét của một người đại ý là “PP Son-rise này giống kiểu làm trò tín ngưỡng và mọi người tham gia đều bị nó mê hoặc thôi…” Nhận xét của anh này khá tiêu cực, nhưng mình đọc đến chỗ ấy thì bật cười, bởi vì nó khá đúng. Mình nhận thấy quan điểm của Son-Rise thực ra rất mang tính “tôn giáo”, kiểu xây dựng niềm tin mù quáng ấy. Nhưng vào thời điểm mình đang tuyệt vọng và mất niềm tin nhất, thì một ví dụ về sự can thiệp thành công để trẻ tự kỷ có cuộc sống bình thường, về niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của con, sẽ trở thành ánh sáng giúp mình vượt qua khủng hoảng. Làm sao các gia đình có thể nỗ lực và kiên trì với một đứa trẻ tự kỷ, nếu niềm tin trong họ là chắc chắn đứa bé ấy chẳng bao giờ có thể “bình thường”? Làm sao vợ chồng mình có thể kiên trì với Bill nếu xung quanh chỉ là những lời khuyên rằng “đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào thằng bé” hay “hãy cân nhắc phương án sinh thêm một đứa nữa”? Điểm tích cực mà mình tìm thấy ở phương pháp này, là nguyên tắc yêu thương áp dụng cho mọi hoạt động trong đó, và thái độ tích cực tột cùng khi nghĩ đến đứa con tự kỷ của mình, và những gia đình xây dựng được niềm tin này thì dần dần đều xây dựng một lối sống tích cực cho tất cả các thành viên. Bài học quan trọng nhất của Son-Rise là thay đổi niềm tin của bản thân, và vợ chồng mình đã làm được. Thay vì nhìn vào những điều Bill chưa làm được,  mình nhìn vào những tiến bộ mới của con. Thay vì dằn vặt với việc con không có bạn, mình vui vẻ làm người bạn lớn của con. Thay vì tự dọa mình với suy nghĩ “lỡ mình có bề gì thì con biết làm sao?”, mình nghĩ rằng “những cha mẹ khác cũng có mối lo như vậy, chứ có phải chỉ nhà mình phải thế vì Bill tự kỷ đâu”. Thay vì nhìn vào những vất vả đánh đổi mà gia đình mình đã và đang phải chịu đựng, mình nhìn vào những giá trị tích cực mà Bill mang đến cho cuộc sống của mình- biết yêu thương trân trọng những người xung quanh, biết cảm thông, biết quản lý thời gian, biết nỗ lực kiếm tiền, hỗ trợ được nhiều gia đình khác có cùng vấn đề với con trẻ. Nhìn tổng thể, Bill thực sự là món quà của số phận đối với mình đấy chứ. Về lý thuyết thì tất cả các gia đình có con tự kỷ đều sẽ trải qua các giai đoạn tâm lý như mình, chỉ là thời gian bao lâu và mức độ nghiêm trọng thế nào thôi. Kinh nghiệm của mình thì cho thấy là khi có đủ kiến thức, chúng ta sẽ vượt qua vấn đề nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Phần 1: CHÚNG TA THẤT VỌNG VỚI TRẺ TỰ KỶ BỞI VÌ ĐÃ KỲ VỌNG QUÁ NHIỀU

Phần 2: TỰ KỶ TỨC LÀ THẾ NÀO?

Phần 3: NGUYÊN NHÂN CỦA CHỨNG TỰ KỶ