Hôm nay là ngày Thế giới nhận thức tự kỷ, nên dù lịch bận sáng-chiều-tối đến giờ mới xong việc, mẹ Bill vẫn trồi lên để post bài kỉ niệm. Tiếp tục chuỗi bài xưa lơ xưa lắc, lần này, mẹ Bill sẽ chia sẻ cho cả nhà nghe câu chuyện về răng miệng của chàng.

Không biết các bạn nhỏ khác bắt đầu dùng bàn chải đánh răng từ lúc nào, và mất bao lâu để biết quy trình đánh răng nghiêm túc đầy đủ, chứ Bill thì cần quãng thời gian dài ơi là dài. Hồi còn nhỏ xíu, việc đánh răng của Bill dĩ nhiên là do mẹ thực hiện, với cái rơ lưỡi thần thánh, và tùy giai đoạn mà chỉ bao gồm nước lọc hay sau này có thêm kem đánh răng (loại ăn được). Sau này Bill lớn hơn (khoảng 3 tuổi) thì dĩ nhiên phải học cách sử dụng bàn chải rồi. Nhưng câu chuyện chẳng hề dễ dàng tẹo nào, vì cứ dí cái bàn chải vào gần miệng là chàng ta chạy mất chứ đừng hòng nhét vào miệng chàng. Loay hoay nửa năm vẫn không ăn thua, may sao lúc ấy mẹ bắt đầu được “khai sáng” về các vấn đề rối loạn giác quan và tính cảnh giác cao mà con có, nên điều chỉnh dần hướng tiếp cận. Tối tối, bố mẹ rủ Bill đứng lên ghế để cùng tầm nhìn vào gương với bố mẹ ở chỗ bồn rửa mặt, rồi bố mẹ đánh răng với biểu hiện cực kì vui vẻ cho Bill xem. Bill xem nhiều nhìn nhiều thì cũng đỡ sợ việc đánh răng hơn. Qua khoảng 1 tháng thì chàng ta sẵn sàng cầm bàn chải lên ngắm nghía. Thỉnh thoảng, thấy chàng ta ngắm nghía đủ nhiều, mẹ có thể hơi đẩy khuỷu tay chàng ta để bàn chải tiến gần về phía miệng hơn, nhưng nếu Bill tỏ ra không thích thì mẹ sẽ ngừng chứ ko hề thúc ép gì con. Sau này, có sự gia nhập của em Bon, Bill càng cảm thấy việc đánh răng có vẻ thú vị thực sự nên chàng ta bắt đầu cầm bàn chải cho vào miệng để…nhai. Kem đánh răng Jack & Jill vị dâu cũng là động lực giúp chàng ta chịu cho bàn chải vào miệng, vì vị của nó rất ngon, mà mẹ thì phết kem đánh răng chìm sâu vào các sợi lông bàn chải. Đây cũng là một kĩ thuật, vì nếu chỉ bóp kem đánh răng lên mặt lông bài chải thôi thì chàng ta sẽ...liếm nửa giây hết luôn chỗ kem đánh răng (đến giờ mà nhỡ để quên tuýp kem đánh răng ấy thì chàng ta cũng sẽ ăn mất 1/3 hoặc ½ tuýp ấy). Đâu đó 4-5 chiếc bàn chải đã hy sinh với tình trạng bị gặm nham nhở phần cán và các sợi lông bàn chải bị giật đứt hoặc xòe tung như váy của Cinderella. Đến cái bàn chải thứ 6 hay 7 gì đó thì cậu bắt đầu cầm bàn chải và chải đi chải lại theo chiều từ trong ra ngoài. Đối với bố mẹ, đó đã là một thành quả rất đáng mừng rồi. Nhưng để đảm bảo vệ sinh răng miệng đạt chất lượng tạm ổn, thì con đánh răng xong mẹ vẫn phải nịnh nọt “Bill ơi, mẹ giúp Bill đánh răng nhé”, và khi chàng ta đưa bàn chải cho mẹ thì mẹ đánh nốt một số góc còn lại.

Mặc dù cuối cùng Bill cũng chịu đánh răng và để mẹ hỗ trợ đánh răng thêm, đến 5 tuổi thì chàng ta vẫn bị mảng bám đen và bị sâu răng. Lần đầu mang bạn ấy đến bệnh viện, bác sĩ chẳng thể khám được lâu, chẩn đoán nhận được là sâu răng, và gia đình được tư vấn cho bạn ấy gây mê để thực hiện việc chữa trị. Từ bệnh viện đi về mà cả gia đình đều hoang mang. Sau đó mẹ Bill gọi cho một chị người quen để nhờ tư vấn thêm, vì nghĩ đến vụ gây mê lại thấy thương con quá. Bà chị bảo “đợi đấy, chị sẽ tìm cho em chuyên gia xịn về răng trẻ em để hỗ trợ Bill”. Thế là nhà Bill làm quen với bác Thu- cô tiên răng của Bill và Bon trong suốt mấy năm nay. Buổi gặp đầu tiên, khi mẹ Bill nói rằng “Bill sợ bệnh viện, nên nhìn thấy những người mặc áo blouse trắng là con sợ lắm”, bác lập tức cất áo blouse trắng của mình đi để đến gần con. Buổi gặp mặt diễn ra 5 phút, với lời dỗ dành “Bác sẽ chỉ đếm xem Bill có mấy cái răng thôi nhé, ồ, 1,2,3,4…”. Để chuẩn bị cho buổi điều trị tiếp theo, bác cũng dặn gia đình rất kĩ:

1. Chụp ảnh bác và ảnh phòng khám để nói chuyện với Bill nhiều lần trước khi đến trị liệu (điều này rất quan trọng cho Bill chuẩn bị tâm lý);

2. Chuẩn bị tai nghe với các bài hát con yêu thích để nghe lúc chữa răng (vì tiếng máy khoan + độ rung trong miệng khi chữa răng chính là combo mà Bill sợ nhất trên đời).

Đến buổi trị liệu tiếp theo, mình rất cảm động vì thấy mọi thứ trong phòng khám đều theo hướng hỗ trợ tốt nhất cho con. Các bác sỹ, trong 30 phút làm việc với Bill, đều không mặc áo blouse trắng. Mặc dù chàng ta vẫn sợ, vẫn không thoải mái, nhưng nhìn chung buổi làm việc vẫn tiến hành được. Thế là bác Thu cũng đồng hành cùng Bill suốt mấy năm rồi. Hàm răng của chàng ta được mặc áo giáp cẩn thận cho những chiếc bị sâu kẽ, lâu lâu lại chia tay một bé răng sữa để thay chiếc răng mới. Hành trình từ tốn nhưng thật may là Bill đã có được những chiếc răng ngoan.