Đợt này mình được tham gia chuyên đề với TS. Marlo Thurman, Chủ tịch Hiệp hội Tự kỷ Hoa Kỳ. Kiến thức thì có rất nhiều, thực tình là choáng ngợp với lượng kiến thức cô đưa ra luôn. Nhưng điều mình ấn tượng nhất với bài giảng của cô là ví dụ về các loài hoa và thông điệp quan trọng mà nó mang tới.

Những đứa trẻ gặp rối loạn phát triển nói chung, và tự kỷ nói riêng, thường bị gắn với cụm từ “khuyết tật”, “kì quặc”, “quái dị”. Nhưng liệu những từ này có thực sự phản ánh đúng bản chất của vấn đề? Nếu chúng ta sống trong xứ sở hoa hồng, một bông hoa hướng dương đi tới đó sẽ bị coi là “có vấn đề” vì nó có màu quá khác, nhụy hoa quá to, cấu trúc hoa kì lạ, và cánh hoa quá dài. Một bông hoa sen cũng sẽ bị đánh giá là “khiếm khuyết” vì quá yếu ớt, môi trường sống quá khác biệt (đòi nhiều nước), lá, cánh hoa và hạt quá to, rồi thời gian hoa tàn quá nhanh. Hoa nhài chắc cũng không khá gì hơn, vì có mùi “quá nồng, quá lạ”.

Thông điệp từ ví dụ về các loài hoa, khi nói về những đứa trẻ đặc biệt và mở rộng hơn cho tất cả mọi người xung quanh, nhấn mạnh vào cách nhìn nhận sự khác biệt của mỗi người. Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận những điều “giống nhau” mới là “bình thường”, thì chúng ta đang thiếu tôn trọng những đặc điểm riêng biệt của những người khác. Mà trong xã hội hiện đại, có vẻ như xu hướng chung là ngày càng tôn trọng sự riêng tư và riêng biệt của mọi người. Vì lẽ đó, mình thích cách cô sử dụng từ “neurodiversity” (đa dạng thần kinh) thay vì từ “disability” (khuyết tật) như nhiều người vẫn đang sử dụng.

Như đã chia sẻ, từ khi bắt đầu mang thai thì mình đã tìm hiểu rất nhiều về các nguyên lý, phương pháp về nuôi dạy con. Nhưng có lẽ những điều mình học được trong những năm đầu đời của con lại là phương pháp chăm sóc hoa hồng. Trong khi đó, Bill, bông hoa của nhà mình, lại là một bông hoa cực kỳ đặc biệt (hẳn là loài hoa thiên đường nào đó lẽ ra chỉ nên xuất hiện ở rừng rậm Amazon). Vì lẽ đó, mình cần phải tìm hiểu lại, học cách chăm sóc cho loài hoa đặc biệt này. Con cần chế độ ăn khác, chế độ vận động riêng, môi trường sinh hoạt đặc thù, cách dạy dỗ cũng rất khác… giống như mỗi loài hoa cần lượng nước, cường độ ánh nắng, nhiệt độ…khác biệt. Điều mình sẽ làm không phải là biến bông hoa đặc biệt này ngày càng giống hoa hồng, mà là cung cấp những điều kiện phù hợp nhất để loài hoa này phát triển tốt nhất theo cách của riêng nó mà thôi.

Từ giờ trở đi, mỗi khi thấy ai đó có gì đó mình thấy “không giống người khác”, mình sẽ tự nhắc nhở bản thân về ví dụ của những loài hoa, và nhìn nhận đó là sự đa dạng thay vì gán các mác “kì quặc” lên cho họ.