Mấy hôm vừa rồi ngồi đọc cuốn “Autism Language Launcher” của Kate C. Wilde, mình lại chợt nhớ lại bài học mở đầu để thay đổi bản thân trên hành trình tích cực để đồng hành cùng con. Trước đây, mình bị áp lực rất nhiều về tiến độ phát triển của con. Sao mãi con chưa biết làm cái A? Sao dạy mãi mà con chẳng biết làm cái B? Sau con học lâu vậy rồi mà chưa thể làm việc C?... Mười vạn câu hỏi tại sao về những điều con chưa thể thực hiện được khiến mình quay cuồng trong áp lực phải “khiến con làm được” và tự trách vì không thể giúp con đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra. Giờ ngẫm lại kể cũng thấy hơi buồn cười. Mục tiêu là mình đề ra, nhưng sự phát triển là của con, vậy thì nhân tố quan trọng nhất phải là con chứ có phải mình đâu nhỉ? Trong chương trình học về giảng dạy tiếng Anh của mình, mình rất tâm đắc với lời giảng của thầy giáo rằng “chúng ta không thể chắc chắn học sinh học những gì mình dạy, chúng ta chỉ có thể hướng dẫn để học sinh phát triển năng lực theo hướng hiệu quả nhất với chúng thôi”. Vậy mà đến lúc dạy con thì mình lại quên mất nguyên tắc ấy.

Mình chỉ thực sự thoát ra khỏi vòng áp lực luẩn quẩn ấy khi nghe bài giảng trong chương trình dạy con tự kỷ với câu hỏi “Con bạn chưa biết nói? Ồ, vậy bạn CẦN con phải biết nói hay bạn MUỐN con biết nói?”. Theo phản xạ, mình tự hỏi “Ơ, thế CẦN với MUỐN thì khác gì nhau?” (thật buồn cười vì câu tự hỏi này lại thuộc về một cô giáo ngành ngôn ngữ). Lúc ấy, giáo viên giải thích với cả lớp rằng “Nếu bạn CẦN một thứ gì đó, thứ đó là điều không thể thiếu trong cuộc sống của bạn, và không có nó bạn sẽ thấy bất hạnh, đau khổ. Nếu bạn MUỐN một thứ gì đó, điều đó sẽ là gia vị cho cuộc sống của bạn để bạn vui vẻ hơn khi có nó, nhưng nếu không có nó thì bạn vẫn có thể sống bình thường, chỉ là bạn không đạt được niềm vui nhiều như khi bạn có nó thôi”. Lúc ấy mình đã nghĩ, “À, cái này giống định nghĩa về hạnh phúc. Hạnh phúc là khi ta đạt được những điều mình mong muốn. Mà nếu cái điều mình mong muốn khó đạt được thì mình sẽ thấy không hạnh phúc. Thế sao mình không thay đổi điều mong muốn ấy, để mình dễ đạt được nó hơn, vậy thì mình sẽ hạnh phúc dễ dàng hơn?”

Sau này, theo hướng dẫn của các cô giáo của Bill, theo các bảng lộ trình phát triển ở trẻ, rồi theo cảm quan trong cuộc sống thường ngày của gia đình, mình cũng đặt ra các mục tiêu khác nhau về kỹ năng và kiến thức của con. Chỉ là, mỗi khi đặt ra mục tiêu và triển khai, mình luôn tự đặt ra câu hỏi “Mình có CẦN con phải hoàn thành được mục tiêu không hay mình chỉ MUỐN thôi?”. Câu trả lời cho mỗi lần đó đều là “muốn chứ không phải cần”. Bill là con của mình, và thế là đủ. Cho dù con không giỏi điều gì, không biết điều gì thì mình vẫn yêu thương con cơ mà. Vậy là mình thực hiện việc dạy và hướng dẫn con với tâm thế hoàn toàn thả lòng. Mình có mục tiêu và kỳ vọng đối với con, mình nỗ lực tạo những điều kiện tốt để con có thể học được những điều mới và đạt được mục tiêu đó, nhưng tiến độ học của con như thế nào thì mình sẽ để cho con quyết định. Điều đáng nói là, khi bản thân mình thả lỏng thì con cũng không bị cảm giác căng thẳng nữa, mà vui vẻ và dễ dàng chấp nhận những điều mới mẻ hơn. Có những thứ con học được với tốc độ nhanh bất ngờ, có những thứ con tiếp nhận chậm hơn so với tiến độ mà cô và mẹ dự kiến ban đầu. Những tiến bộ bất ngờ sẽ là niềm vui gia tăng trong cuộc sống của mình, còn những điều con chưa học được thì chắc sau này sẽ học được thôi, mà kể cả con không học được thì cũng có hề gì. Cuộc sống của gia đình mình vẫn vui vẻ dù con chưa có được những kỹ năng đấy mà. Hành trình của Bill và mình còn rất dài, chỉ cần đồng hành cùng nhau thì dù là tiến lên thật chậm, dừng chân tạm nghỉ hay lùi lại lấy đà thì cũng đều ổn cả.