Một trong những bài học vô cùng quan trọng mà mình nhận được trong quá trình đồng hành với Bill là học cách tin tưởng và tôn trọng sự lựa chọn của con rồi dần mở rộng ra trong cách ứng xử với những người khác. Bài học này đến từ những sự việc vô cùng nhỏ nhặt trong sinh hoạt thường ngày của Bill.

Ngày trước, mình từng bị áp lực phải chạy theo các chương trình và giáo án mà các cô giáo chuẩn bị cho Bill. Bản thân mình cũng làm giáo dục, và việc lên kế hoạch giáo án để cải thiện những kĩ năng, kiến thức mà con mình (hoặc học sinh, sinh viên của mình) còn thiếu sót là điều hết sức hiển nhiên. Ban đầu mọi thứ khá ổn, cô dạy gì bạn ấy học nấy. Về nhà mẹ dạy thì có thể không hợp tác nhưng lúc học với các cô, nhưng vẫn có sự tiến bộ rõ rệt. Bạn ấy bắt đầu biết “ạ” để xin, khi giơ thẻ tranh (flashcard) lên thì bạn ấy đọc được tên những con vật/hoa quả/ đồ vật trong đó, dù có âm tốt có âm vì lúc đó Bill chỉ tầm 2 tuổi. Nhưng chỉ qua vài tháng, biểu đồ tiến triển của Bill rơi thẳng tắp chứ chẳng tiếp tục tiến lên nhưng mọi người kì vọng. Con khó chịu, cáu kỉnh, ném thẻ tranh, hợp tác nhất thì cũng chỉ ngồi nhìn chứ không chịu nói… Mình stress nặng với ý nghĩ rằng “Tại sao con lại không chịu học? Tại sao mình dạy được bao nhiêu người mà chỉ những thứ đơn giản này lại chẳng thể dạy nổi con mình? Tại sao những điều hay ho, tốt đẹp, những kỹ năng quan trọng thế này mà con không chịu học để tiến bộ…?”.

Sau này, khi mình tiếp cận với phương pháp khác, mình thấy chột dạ khi nghe giáo viên nói “Khi bạn áp đặt những điều mình cho là tốt lên đứa trẻ, tức là bạn đang tự cho mình cái quyền loại bỏ đi trí tuệ, cảm xúc, tư duy của đứa trẻ. Bạn coi con mình như một đối tượng trí lực thấp và không có cảm xúc nên mới phải tuân theo lựa chọn của người khác. Nhưng rõ ràng con bạn không phải như thế. Bé là một đứa trẻ thông minh, có tư duy, có cảm xúc, có diễn biến tâm trạng và tình trạng cơ thể mỗi lúc mỗi khác”. Lúc ấy, mình bắt đầu ngẫm lại những gì mình đã và đang làm với con, và nhận ra rằng, cách mình đang làm với con sẽ khiến cho bất cứ đối tượng nào cảm thấy cáu kỉnh và căng thẳng. Tại sao mình lại muốn con phải quay đầu lại 100/100 lần khi mình gọi tên con, trong khi có những lúc mấy người gọi con liên tục hàng chục lần chỉ để “kiểm tra phản ứng” của con xem có phản xạ tốt không? Mình mà bị ai đó gọi 2 lần rồi không nói gì thì đừng hòng mình quay lại lần thứ 3, vì rõ ràng người kia đang trêu tức mình mà -_-. Tại sao mình lại muốn con phải nói tên cùng 1 thẻ tranh hàng chục lần mỗi ngày, trong khi ngày xưa mình vật nài xin bố mẹ cho nghỉ lớp học thêm chỉ vì nội dung học thêm giống y xì nội dung học chính trên lớp (tức là kiến thức mới chỉ lặp lại có 1 lần)? Tại sao mình lại muốn con phải ăn rau, ăn hoa quả, ăn món nọ món kia trong khi ngày xưa mình không động đến một cọng rau nào cho tới năm 13 tuổi (và bây giờ vẫn còn ti tỉ thứ mình không ăn vì các thể loại lý do khác nhau)? Tại sao mình lại kì vọng bữa nào con cũng ăn đều đều một khẩu phần như nhau, trong khi chính bản thân mình mỗi ngày ăn một kiểu vì bị tác động bởi cả đống nhân tố khác nhau (trời nóng ăn ít, trời lạnh ăn nhiều, mệt vừa vừa thì ăn nhiều, mệt quá thì không muốn ăn luôn…).

Dần dần, vợ chồng mình thay đổi cách tiếp cận với các vấn đề của Bill. Mình cho con thấy những lựa chọn mà con có thể làm và đợi cho con tự lựa chọn. Quá trình có thể kéo dài, rất dài, nhưng những kết quả mà chúng mình đạt được thì khá tích cực và bền vững. Ví dụ như việc ăn uống của Bill. Dù lúc ăn dặm và trước 2 tuổi Bill đã được mẹ cho tiếp cận với rất nhiều loại hoa quả và rau (lúc ấy chàng vẫn ăn bình thường), sau này số lượng món mà con chịu ăn ngày càng thu hẹp. Đợt nào may mắn thì con chỉ ăn cơm với thịt (gồm 3 món là bồ câu hầm, gà quay và thịt lợn luộc), có thể thêm viền bánh mì. Có những đợt thê thảm hơn thì bố mẹ Bill stress vì con không ăn cơm mà chỉ ăn mỗi thịt (bồ câu hầm và gà quay), không chịu ăn tinh bột và càng không ăn rau hay hoa quả. Những lúc ấy, vì khẩu phần ăn không đủ no nên cả ngày con cáu kỉnh, đi lùng sục khắp nơi để tìm những món con muốn ăn, mà rõ ràng là rất không tốt cho con, như bánh xốp hay sữa. Thống kê siêu thị của bố Bill cho thấy năm ngoái (lúc bạn ấy duy trì tình trạng bỏ cơm và tinh bột trong thời gian dài) cho thấy bố Bill mua hơn 200 lít sữa (chưa kể mẹ Bill hay ông bà mua riêng, hoặc mua ở kênh khác nữa nhé).  Dù căng thẳng là thế, việc mình làm chỉ là vứt hết những đồ không tốt cho con, yêu cầu cả nhà ngồi ăn cùng nhau trong bữa cơm để Bill nhìn thấy bố mẹ và em Bon ăn cơm, ăn rau, ăn thịt, ăn hoa quả. Dần dần, Bill bốc 1 hạt cơm để thử lại. Rồi có lần Bill cầm cọng rau muống luộc lên để chơi. Rồi có lần Bill cầm quả nho lên để bóp bóp. Nếu mình nhớ không nhầm thì từ lúc mình bắt đầu cho Bill thấy cả nhà ăn rau và hoa quả một cách “có chủ đích” cho tới lúc con chịu cầm những thứ đó lên nghịch là khoảng 4 tháng, và từ lúc Bill nghịch cho tới lúc con thực sự cho vào miệng là 4-6 tháng, rồi từ lúc cho vào miệng thử và phun ra vì nó không ngon lắm, cho tới lúc con ăn hết miếng là khoảng 2-3 tháng nữa. Trong thời gian đó, mình cùng lắm chỉ đưa lên mời con 1-2 lần với kiểu hỏi “con có ăn không?” khi con có vẻ tò mò lân la nhiều lần với món đó, còn đa số thời gian thì để kệ con quan sát và thử nghiệm theo tốc độ của mình. Đến giờ, Bill thích ăn nho đen không hạt, ăn cơm với các loại thịt khác nhau (không phải tất cả nhưng cũng được khoảng 10 món), mỗi bữa đều có khẩu phần rau (dưa chuột, salad bắp cải hoặc rau muống luộc). Khẩu phần ăn của con còn rất xa mới đạt ngưỡng healthy, nhưng vợ chồng mình thấy rất hài lòng với “thành tích”  hiện giờ của con (cũng là thành tích của gia đình mình nữa ^_^).

Với bài học này, mình lại nhớ lời của Khổng Tử mà ngày trước cô giáo mình hay nói “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Những điều bản thân mình không thích thì đừng làm cho người khác). Mình không thích bị người khác “dạy đời” thì cũng sẽ không đi “dạy đời” người khác, dù đó là đứa con bé bỏng của mình. Thay vào đó, mình sẽ  tôn trọng những quyết định đó, cố gắng hiểu lý do đằng sau những quyết định này và thảo luận/ giải thích để hướng đến lựa chọn mà mình coi là tốt hơn. Mà nếu cuối cùng người ta không làm theo những gì mình nghĩ, thì cũng là điều bình thường. Mỗi người một cuộc sống mà.