Chuyện thường ngày mà phải mấy tháng mẹ cháu mới có thời gian cập nhật, căn bản vì dịch giã nên 2 bạn nhỏ ở nhà với bố mẹ 24/7, mà bố mẹ chúng thì vẫn phải làm việc full time (thậm chí cả part-time).

Lần trước kể chuyện ăn uống, lần này kể chuyện vận động. Chuyện là đồng chí Bill nhà mình thể hiện cái sự tăng động giảm chú ý của chàng từ lúc hơn 1 tuổi. Hồi ấy mình cứ phân vân mãi chả hiểu con mình tăng động hay tự kỷ (hồi ấy cũng lên mạng đọc đủ thứ dấu hiệu, xong cứ thấy giông giống nhau nên chả biết xác định thế nào). Sau này mang Bill đi một số nơi để các thầy cô đánh giá nhưng cuối cùng bố mẹ vẫn mơ mơ hồ hồ, nhìn cái kết quả dài một vài trang A4 mà vẫn chả biết rốt cuộc con mình tăng động hay tự kỷ. Xong mãi lâu sau tìm đến những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam, mẹ cháu mới vỡ lẽ là con mình thuộc loại tự kỉ kèm tăng động (😊).


Với biểu hiện tăng động của bạn ý, bác sĩ bảo có thể cân nhắc 2 phương án. Một là dùng thuốc ức chế, kiểu như thuốc ngủ để giảm phản ứng ấy. Thấy mọi người bảo uống thuốc này vào thì con sẽ phản ứng chậm chạp hơn vì rơi vào trạng thái hơi giống lơ mơ buồn ngủ, nên mình quyết tâm không cho Bill uống. Phương án thứ 2 mà bác sĩ đưa ra là hạn chế các chất gây kích thích (sô cô la, đường…) và cho vận động thật nhiều.


Lúc nghe “vận động thật nhiều”, mình thấy lạ lắm. Trời ạ, con mình chạy nhảy leo trèo suốt cả ngày, chẳng ngồi yên được mấy lúc. Vậy mà bác sĩ còn muốn nó vận động nhiều đến đâu nữa. Về sau, mình hỏi một chị có con 11 tuổi rồi, chị ấy bảo chương trình vận động của bạn nhà chị ấy khủng lắm. Mùa thu, bật điều hòa 18 độ, vậy mà 2 mẹ con đu xà, bò, trườn….mồ hôi đầm đìa hơn cả đi tập gym luôn. Mình nghe nhưng cũng không hoàn toàn tưởng tượng ra được.


Rồi đến lúc cho Bill gặp thầy chuyên gia về vận động và thần kinh phản xạ, thầy ấy đánh giá và đặt mục tiêu vận động TỐI THIỂU của Bill là: “Mỗi ngày leo bộ 100 tầng cầu thang (chỉ đi lên), bò 500m, đi bằng đầu gối 500m”, xong sau đó là tăng thêm những hoạt động xách vật nặng, nằm dốc đầu gập bụng dậy… Mình nhìn cái bảng mục tiêu vận động mà không tưởng tượng nổi làm sao con mình hoàn thành được. Thử rồi mới biết đồng chí ấy chỉ không thích làm thôi, chứ đủ năng lượng làm được hết chỗ mục tiêu ấy.


Ấy vậy mà đợt này nghỉ dịch, chàng ta phải cấm cung ở trong nhà, không đặt chân ra khỏi cửa một bước.Cái khung leo trèo thì chơi mãi cũng chán từ đợt giãn cách lần trước. Đợt này cùng lắm có em Bon chơi cùng thì chạy đuổi nhau mấy chục vòng hoặc nhảy trampoline để 2 anh em mồ hôi nhễ nhại. Thời gian còn lại, chàng ta cứ leo trèo lên tủ, lên bàn làm việc, lên bàn ăn ghế ăn, đi men rìa tủ như spiderman…để rồi bố mẹ cứ liên tục phải nhắc “Bill, đi xuống!!!”. Giờ đến em Bon cũng thuộc câu ấy luôn rồi. Anh Bill trèo mà bố mẹ chưa kịp nhìn thấy là con bé quát lanh lảnh “Bill, đi xuống!!!”. Nghĩ mà thương cho thằng bé chẳng được thỏa mãn nhu cầu vận động.


Theo tư vấn của các cô giáo, tiến trình vận động và giác quan của Bill được tích hợp trong đủ các loại hoạt động trong ngày. Giờ ăn thì đi xách cho mẹ nồi cơm ra đặt lên ghế, rồi lấy khay bê bát thìa đũa… từ bếp ra bàn ăn cho mẹ (bình thường mẹ cháu chỉ bên lần lượt đồ ra bàn là xong, để phục vụ “nhiệm vụ” của chàng mà mẹ phải sắm thêm khay inox, và đồ chàng bê thì cũng chỉ toàn bát/đĩa nhựa và inox thôi). Giờ tắm thì xách nước đổ vào bể bơi/chậu, tắm xong thì hì hục đổ chậu nước đi rồi xếp chồng 3 cái chậu cho đúng thứ tự. Mỗi ngày 3 lượt lấy nước vào bình rồi tưới cây (may mà toàn cây ưa nước chứ không thì chắc chết úng hết với tần suất tưới có hôm 10 lần của Bill). Ngoài ra còn màn bê ghế đến chỗ kệ hoặc cửa để với đồ vật trên cao.  Đơn giản hơn là lúc bắt chàng đi dọn đồ chơi thì mẹ cố tình để hộp đựng ở hướng ngược lại với đồ cần cất, để chàng ta liên tục phải xoay người sang trái-sang phải để tăng cường trục cơ thể. Danh mục các hoạt động vẫn được mẹ và các cô cố gắng bổ sung hàng tuần đề có thêm ý tưởng cho chàng ta vận động. Thành tựu lớn nhất là qua 2 tháng cấm cung mà chàng ta vẫn bình thường vui vẻ chứ chưa cáu bẳn vật vã nhiều ❤.