Đợt này tòa chung cư mà nhà Bill đang ở lại liên tục có căn hộ sửa sang. Mỗi lần như vậy là bố mẹ cháu thấy sầu lắm, vì thằng bé Bill sợ tiếng máy khoan kinh khủng.
Hồi 3 tuổi, Bill bắt đầu có biểu hiện kì lạ khi có tiếng máy khoan hay máy xay. Hồi đó bố mẹ chẳng biết gì cả, chỉ cuống cuồng và hoang mang chạy lại túm chặt lấy thằng bé con đang lồng lộn gào thét khóc lóc. Bill chạy lao đầu vào tường hay thành giường thì chặn tay vào đầu con. Bill lăn lộn khóc trên giường thì lấy gối chặn xung quanh để chàng ta không lăn đến mức đập thẳng đầu hay chân vào những chỗ quá cứng. Điều khiến bố mẹ Bill thấy bất lực nhất là không hiểu tại sao con mình lại lăn ra khóc lóc kinh khủng như vậy, mọi biện pháp dỗ dành đều không hiệu quả, sau đó con lại tự nín. Phải nửa năm sau, mẹ bắt đầu mới biết đến khái niệm “rối loạn giác quan” và để ý kỹ những tình huống dẫn đến phản ứng bùng nổ của con. Chỉ mất vài tuần để bố mẹ xác định được vì sao Bill phản ứng như thế- con sợ tiếng động rít như tiếng máy khoan, máy xay, máy sấy. Cứ nghe thấy những âm thanh kiểu đó là con lăn lộn khóc lóc, và khi con không còn nghe thấy âm thanh đó nữa thì con sẽ dần bình tĩnh lại.
Tìm hiểu được nguyên nhân rồi, vấn đề tiếp theo là “Làm thế nào để cải thiện được tình trạng đó của con?”. Câu trả lời mà gia đình Bill tìm được ở khoảng thời gian con 4 tuổi là: Hãy để con cảm thấy thoải mái, an toàn, từ đó khả năng chịu đựng của con sẽ tốt hơn. Sau đó hãy để con dần làm quen với các loại âm thanh đó theo nguyên tắc bù trừ và báo trước. “Báo trước” tức là mẹ sẽ mang máy xay/ máy sấy ra để tập dần cho con làm quen, giơ ra trước mặt con vào nói “Bill ơi, mẹ xay/ mẹ sấy tóc nhé” để con biết là có gì đó sắp xảy ra. Ban đầu thực hiện 2-3 giây, rồi sau đó có thể nâng dần thời gian lên tùy theo mức độ chịu đựng của con. Bù trừ tức là mỗi khi mẹ tạo loại âm thanh mà con không thích thì sẽ đồng thời bật nhạc con thích ở gần hơn. Cảm giác an toàn và thoải mái thì chính từ việc bố mẹ sẽ bế thằng nhóc nặng trịch lên và đung đưa theo cách con thích ngay khi có âm thanh con sợ, để con biết rằng bố mẹ đang ở bên để giúp đỡ con.
Quả thực là Bill đã bình tĩnh hơn khi đương đầu với những âm thanh như tiếng máy sấy và tiếng máy xay trong nhà. Thế nhưng sự chịu đựng này chỉ giới hạn với tiếng máy sấy và máy xay, thời lượng dưới 20 giây thôi. Với thời lượng dài hơn hoặc tiếng máy khoan, Bill sẽ không thể chịu nổi. Dần dần bố mẹ lại dạy con cách đương đầu với loại âm thanh khó chịu đó. Lúc gần 5 tuổi, mỗi khi nghe tiếng máy khoan ở nhà hàng xóm, Bill sẽ lao xuống nhà và chui tọt vào ô tô rồi đóng cửa lại. Bố mẹ cũng bất ngờ với giải pháp thông minh của Bill, vì quả thật ô tô là nơi cách âm tốt nhất trong nhà. Dĩ nhiên, việc chui vào ô tô không thể là giải pháp trong thời gian dài. Vậy nên đợt nào nhà hàng xóm xây sửa khoan đục cả ngày thì nhà Bill chỉ còn nước đi …sơ tán.
Vào những ngày cuối năm, đâu đâu cũng xây sửa khoan đục, phương án sơ tán cũng không quá hiệu quả nữa. Mẹ bắt đầu trăn trở với cách làm sao để con không còn phải nghe thấy âm thanh khó chịu nữa. Bố mẹ và cô giáo của Bill lên kế hoạch tập cho Bill đeo tai nghe. Thật chẳng dễ dàng để chàng ta chịu đeo tai nghe- một thứ kì lạ treo lên đầu và chụp vào tai. Mẹ và cô bắt đầu từ việc giúp con bịt tai bằng tay, trùm áo lên đầu rồi bịt tai, dùng khăn- áo- ga- chăn để bịt tai, rồi cuốn cái khăn/ga thành hình na ná cái tai nghe để ụp vào tai, rồi mọi người (bao gồm cả em Bon) làm mẫu đeo tai nghe với vẻ vô cùng hưởng thụ. Sau hơn một tháng, cuối cùng Bill cũng đồng ý đeo tai nghe để nghe nhạc mỗi khi có tiếng xay hay khoan.
Nhưng suy cho cùng, đó cũng chưa phải là giải pháp tốt nhất. Mẹ vẫn trăn trở với việc liệu có cách nào để đôi tai của con đỡ nhạy cảm, để những loại âm thanh cũng không phải là vấn đề mà con phải vất vả đương đầu nữa hay không. Tháng này, con may mắn được thử nghiệm chương trình trị liệu âm thanh Tomatis. Sau 4 buổi tuần trước, mẹ đã nhận ra sự thay đổi của con trong tuần này. Buổi sáng ngày trị liệu thứ 5, tiếng máy khoan lại vang lên. Bill khó chịu đòi bế, đòi đeo tai nghe nhạc (loại tai nghe thông thường). Sau đó, Bill đeo tai nghe trị liệu thì con bình tĩnh ngồi cạnh mọi người để chờ đợi, rồi đi lai chơi bời như thường. Hết khoảng thời gian trị liệu lượt 1, con bỏ tai nghe trị liệu và chơi. Tiếng máy khoan từ xa xa lại vang lên, mẹ chăm chú theo dõi phản ứng của con thì thấy thằng bé Bill vẫn chơi như bình thường, chẳng có vẻ gì là nghe thấy tiếng máy khoan ấy. Mẹ hồi hộp đợi tiếp để theo dõi, thì thấy tình trạng “không nghe thấy tiếng máy khoan ở xa” diễn ra trong tất cả 3 buổi tiếp theo trong tuần. Liệu đây có phải là dấu hiệu tích cực cho thấy đôi tai của con đã bớt nhạy cảm chưa nhỉ? Mẹ cũng không dám chắc chắn, nhưng rõ ràng là tín hiệu đáng mừng. Hành trình của chúng ta đã đi khá dài, và quãng đường phía trước còn dài hơn nữa. Sự thay đổi diễn ra trong vòng 1 tuần thì đã là điều kì diệu đối với Bill và bố mẹ rồi.