Trong rất nhiều cuộc trò chuyện với các cha mẹ khác, dù con của họ có tự kỷ hay không, thì mình đều nhận thấy nhiều tình huống mọi người tỏ ra thất vọng, hụt hẫng, buồn tủi, bực bội với “thành tích” của con mình. Bản thân mình cũng đã trải qua những cảm xúc như vậy, và sau này bình tĩnh ngẫm lại, thì nguyên nhân của tất cả những cảm xúc tiêu cực ấy là vì mình đã đặt lên đôi vai của con những kỳ vọng mà con không thể đáp ứng được. Điều này chẳng có gì khó hiểu, bởi mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần cha mẹ, thậm chí ông bà họ hàng của chúng, trải qua những cảm xúc thăng trầm và mang trong mình kỳ vọng tương lai của cha mẹ hay cả dòng họ.

Quá trình sinh ra và nuôi dạy Bill là một quá trình mà mình đã buộc phải đưa ra nhiều lựa chọn mang tính đánh đổi. Ban đầu, khi kết hôn, mình tuyên bố với gia đình 2 bên là cưới xong sẽ đi du học Thạc sỹ, bởi vì đó là ước mơ mình đã ấp ủ và nỗ lực nhiều năm để đạt được. Quá trình đạt được thỏa hiệp của tất cả mọi người không phải quá chông gai nhưng cũng chẳng hoàn toàn dễ dàng. Đến lúc đang háo hức chuẩn bị hồ sơ học bổng chính phủ của vài nơi, mình đột nhiên nhận được lời bình phán rằng “việc công danh tốt đẹp thì việc chồng con sẽ gặp khó khăn”.  Giữa một bên là lời bình phán mang hơi hướng “mê tín” và một bên là kế hoạch ước mơ mà mình đã nỗ lực rất lâu, mình cảm thấy không đáng để cân nhắc. Thế nhưng, khi nghĩ đến gia đình mình, nghĩ đến chồng mình- tình yêu gần 10 năm từ thời còn đi học cho tới khi trưởng thành của mình- thì mình lại chẳng dám liều. Sau khi cân nhắc mãi, mình quyết định vứt chỗ hồ sơ du học vào thùng rác, đăng ký học Thạc sỹ trong nước và lên kế hoạch sinh con. Với nhiều người, quyết định kiểu này là hiển nhiên, với nhiều người khác thì lựa chọn của mình khá “dại dột”, nhưng thôi mình đã chọn rồi. Dù mỗi lần nghe và nhìn những người bạn/anh/chị cùng chuẩn bị hồ sơ với mình lúc ấy chia sẻ những câu chuyện về việc du học, lòng mình có hơi gợn sóng một tí, thì mình vẫn không hối hận vì quyết định này. Ngay cả như vậy, khi vợ chồng mình nói chuyện với nhau về tương lai con cái, mình vẫn nhấn mạnh rằng “Anh đừng đưa ra kế hoạch bắt con học Ngoại ngữ như em hay học lập trình như anh. Em chỉ muốn con vui vẻ và làm những gì mình thích”.

Sau khi quyết tâm có con, hai vợ chồng mình lại trải qua hơn 1 năm kiểm tra sức khỏe, thăm khám, canh trứng… cho tới khi mang thai. Thai được 7 tuần thì bác sĩ bảo có dấu hiệu bong nhau, vậy là có 1 tháng rưỡi nằm nhà tĩnh dưỡng, mỗi ngày tiêm 1 mũi thuốc nội tiết. Khoảng thời gian ấy là lúc mình đau vật vã vì những chỗ tiêm bị nhức do đọng thuốc, mệt mỏi chán chường vì phải nằm 1 chỗ, và cả gia đình nội ngoại đôi bên đều khủng hoảng vì lo lắng cho thai nhi. Tất cả những công việc dạy thêm dạy chính của mình đều phải bỏ hết, toàn tâm toàn ý ở nhà dưỡng thai. Sau đó, như tất cả những bà mẹ khác, mình trải qua những tháng ngày mang thai bị chuột rút, bị con đạp tới mức không ngủ được, rồi đến cơ đau khi sinh mổ và những ngày tháng ở cữ cấm cung trong phòng. Thật may là cuối cùng mẹ tròn con vuông, bé Bill kháu khỉnh khỏe mạnh, ông bà nội ngoại và bố Bill đều hết lòng chăm sóc cho hai mẹ con.

Với tất cả những gì đã trải qua, sẽ thật bình thường khi mọi người trong gia đình đều kỳ vọng Bill trở thành một anh chàng khỏe khoắn, lanh lợi, vui vẻ, có một tương lai tốt đẹp hoặc ít nhất là “bình thường”. Vậy nên khi nhận kết quả chẩn đoán rằng Bill là trẻ tự kỷ, và tự kỷ nghĩa là con sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp, con sẽ chẳng thể có cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác, con sẽ khó có thể tìm được việc làm hay có người yêu và kết hôn….thì mọi người trong gia đình, hoặc ít nhất là vợ chồng mình, đều có cảm giác tương lai biến thành một màu tối đen. Hóa ra, ngay cả kỳ vọng rằng "con mình không cần giỏi, chỉ cần có cuộc sống bình thường" cũng là xa xỉ. Sau này, khi điều chỉnh lại suy nghĩ của chính mình, vợ chồng mình cảm thấy hoàn toàn cân bằng và thoải mái. Chúng mình giữ niềm tin rằng con không nhất thiết phải đi con đường giống người khác, rằng chuyện có công việc tốt hay kết hôn thì không phải là điều mà người “bình thường” nào cũng thực hiện được, và rằng cuộc sống của mỗi người đều chẳng giống nhau nên chả có gì được coi là tiêu chuẩn “cuộc sống bình thường cả”. Bên cạnh đó, chúng mình cũng tin rằng con sinh ra là vì chúng mình muốn có một kết tinh tình yêu để yêu thương chứ không phải là một phụ kiện tô điểm cuộc sống (kiểu như có con nối dõi tông đường hoặc thể hiện rằng mình “biết sinh con”) hay là đối tượng hiện thực hóa kỳ vọng của mình gì cả. Con là món quà mà tạo hóa đã mang lại cho vợ chồng mình, và hơn tất cả, đặc điểm tự kỷ của con còn là bài học mà tạo hóa dành cho chúng mình để hiểu rõ hơn về tình yêu vô điều kiện của cha mẹ đối với con cái. Nói tóm lại ,khi thay đổi niềm tin và kỳ vọng, chúng ta sẽ bắt đầu tìm thấy sự cân bằng trong suy nghĩ của chính mình để từ từ tìm hiểu về tự kỷ.