Bài viết này đã được viết từ khá lâu rồi, nhưng vì chưa xong nên để dành cho tới ngày đặc biệt hôm nay: Ngày 2 tháng 4, ngày Nhận thức về Tự kỉ. Đây là bài học cực kì quan trọng nhưng cũng là bài học khó khăn vô cùng, vì đến giờ mình biết rằng bản thân vẫn chưa thựa hiện được, chỉ là tìm cách để điều chỉnh suy nghĩ và cách ứng xử của bản thân để giảm bớt việc phán xét người khác một cách tiêu cực đi thôi. Bài viết này dành tặng tất cả mọi người, dù cuộc sống của họ hiện tại có chút xíu nào liên quan tới hai chữ “tự kỷ” hay không.
Trên hành trình đồng hành cùng Bill, một bài học quan trọng nữa mình rút ra được là học cách từ bỏ việc phán xét người khác, dù những gì họ nói và làm có “sai lầm” và “bất ổn” như thế nào trong con mắt của mình. Lý do thứ nhất là vì những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, đọc được… chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong cuộc sống của người khác thôi, mà cái từ “phiến diện” thì chưa bao giờ mang nghĩa tích cực cả. Từ nhỏ tới lớn, mình đã gặp được rất nhiều người mà góc nhìn từ một mặt cụ thể nào đó có thể khiến người khác nghĩ sai lệch hoàn toàn về tổng thể con người họ. Các bạn học cùng một lớp ĐH của chồng mình ắt hẳn sẽ nghĩ “Ủa, thằng ấy suốt ngày bùng học bỏ môn mà sao giờ còn có thể làm được tới mức abc xyz?” bởi họ chẳng biết rằng chồng mình học song song 2 chương trình ĐH, mà cái chương trình về CNTT mới là thứ quan trọng hơn chứ không phải chương trình về kinh doanh mà họ học cùng. Lớp mình đã từng choáng khi biết một cậu bạn suốt ngày điểm các môn chỉ lẹt đẹt 4-5-6 ở trường mà thoắt cái trở thành người chiến thắng trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh ở cấp độ quốc tế, trở thành Đại sứ môi trường và lấy học bổng đi học Mỹ. Mình thì ít bất ngờ hơn một chút, vì mình từng thấy cậu ấy nói chuyện cực kì tự nhiên với những khách du lịch nước ngoài ở Văn Miếu, đoán biết quê hương của họ dựa vào khẩu âm của những người đó khi nói tiếng Anh (accent) để mở rộng câu chuyện, và còn nhiều lần nghe cậu ấy nói về những câu chuyện chính trị, kinh tế… của Mỹ- một thứ cực kì xa lạ đối với một học sinh cấp 3 lúc bấy giờ.
Lý do thứ hai là, suy cho cùng, có những lúc chúng ta đưa ra lựa chọn nào đó dù biết rõ những khó khăn hay khuyết điểm của nó, thậm chí biết rõ về một phương án khác tối ưu hơn cho vấn đề đó, đơn giản vì đối với điều kiện hoàn cảnh lúc ấy của chúng ta thì đó là lựa chọn phù hợp nhất. Và những người khác nhìn vào thì sẽ chẳng thể hiểu được chúng ta đã và đang trải qua bao nhiêu cân nhắc tính toán để đi đến quyết định ấy, và bởi vậy nên họ cũng có thể nghĩ về quyết định của mình theo cách “sao nó lại làm thế?”, “rõ ràng nó có thể làm cách khác tốt hơn mà?”. Chúng ta chỉ trích gia đình này cha mẹ ép con học quá đáng, tạo áp lực cho con, nhưng chúng ta đâu biết liệu có phải họ đã trải qua những tháng ngày khổ cực tuổi thanh xuân chỉ vì học thức của mình không cao, và rồi họ tự nhủ “giá như lúc trước mình học giỏi hơn thì cuộc sống đã không vất vả thế này?”. Rồi chẳng phải chính những người xung quanh như chúng ta là đối tượng tung hô thành tích của các thần đồng, học sinh giỏi và coi thường những người có học lực, bằng cấp không cao ư? Mọi người bảo đừng tạo áp lực cho con, chấp nhận con, nhưng có mấy ai khoe cái giấy khen Học sinh tiên tiến như cách họ khoe cái giấy khen Học sinh xuất sắc hay Bằng khen cấp nọ kia không?
Ngày Bill bắt đầu đi can thiệp 1h/ ngày, bản thân mình và gia đình hay so sánh xem con tiến bộ đến đâu, thắc thỏm vì thấy con tiến bộ chậm hoặc tiến bộ xong thì kĩ năng lại bị thoái lui. Có giai đoạn cô giáo luyện khẩu hình cho con mà về nhà quanh miệng và quai hàm của con có nhiều vết tím. Cả nhà nhìn vậy mà xót con vô cùng, nhưng vì cô giáo đã dặn trước về vấn đề này rồi nên cả nhà vẫn để yên theo dõi. Sau này, khi một cô bạn của mình biết được, bạn ấy hỏi “Sao mày không đến xem hẳn hoi là cô làm gì con? Sao có thể để con bị bầm tím nhưng vậy mà không nói gì? Sao lại không có camera? Sao lại không được ngồi đó với con?...” Hàng loạt câu hỏi bổ vào khiến mình có cảm giác mình là một tội đồ vì chẳng chú ý quan tâm theo dõi việc học của con. Thực ra quy định của trung tâm can thiệp là không có camera, mình chấp nhận. Và mình theo nguyên tắc “nghi thì không dùng, dùng thì không nghi”. Đó cũng là thời điểm mình đang mang thai em Bon, vật lộn trong cơn khủng hoảng tâm lý nặng nề nhất trong đời giữa những hoang mang về vấn đề của Bill (lúc ấy Bill còn chưa có kết luận chẩn đoán là tự kỷ) và sự mờ mịt về tương lai chăm sóc 2 đứa con. Sau vài tháng can thiệp thì mình cũng cho Bill nghỉ học ở đó vì nhận thấy Bill không hợp với phong cách học trung tâm ấy. Mình cũng biết ơn cô bạn của mình vì cô ấy cực kỳ yêu thương và lo lắng cho hai mẹ con, và lần nói chuyện đó cũng là một lần cảnh tỉnh để sau khi bình tĩnh hơn thì mình cân nhắc kĩ lưỡng về những gì đang xảy ra với Bill. Nhưng không phải ai cũng có diễn biến tâm lý như mình. Rất nhiều người, hoặc sẽ giữ nguyên ý kiến bản thân và khó chịu với người bạn đã nói những lời công kích như thế, hoặc sẽ vì những lời nói ấy mà dày vò bản thân nặng nề thêm nữa và lún sâu vào cơn khủng hoảng.
Sau này, khi tìm hiểu nhiều hơn về phương pháp can thiệp cho Bill, mình lại đứng trước lựa chọn giữa việc nghỉ làm ở nhà để dành 100% thời gian can thiệp cho con, hay vẫn duy trì công việc và tính toán phương án can thiệp “không chuẩn như lý thuyết” cho Bill. Mình rất ngưỡng mộ những người mẹ có thể hy sinh công việc của mình để ở nhà chăm sóc con cái vài năm. Mình cũng đã gặp và nói chuyện với một người bạn đã từ bỏ vị trí quản lý tại một ngân hàng để ở nhà hỗ trợ cho đứa con tự kỷ của mình, và cậu bé đã có những tiến bộ vượt bậc. Về mặt lý thuyết thì chương trình mà mình định chọn cho Bill, trong tình huống lý tưởng, cũng cần cha hoặc mẹ đầu tư toàn bộ thời gian ở nhà để thu xếp chương trình can thiệp và trực tiếp hỗ trợ con. Lúc ấy, mình loay hoay giữa hai phương án mà chẳng biết xử lý thế nào. Nghỉ việc ở nhà thì lý tưởng cho việc can thiệp của Bill, nhưng còn vấn đề kinh tế của gia đình, còn công việc mà mình yêu thích và đam mê đã lâu. (Mình không biết mọi người cảm thấy sao về công việc của bản thân, chứ mình rất yêu công việc của mình và môi trường làm việc của mình nữa. Trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý về các vấn đề của con cái, nhiều lần mình nhận ra rằng làm việc sẽ giúp mình…đỡ stress hơn. Ở nhà đang buồn rầu sướt mướt mà chạy lên lớp đi dạy hoặc đến trường ngồi họp + chuyện trò với đồng nghiệp thì lại thấy đời tươi vui lên. Vậy nên, sau một hồi cân nhắc thì mình quyết định vẫn duy trì công việc ở trường và thu xếp thời gian dành cho con khi con ở nhà. Mình tìm trường mới, tìm giáo viên, trao đổi với nhà trường về phương pháp và quan điểm của gia đình để các bên cùng phối hợp. Khi đón Bill về nhà, mình hầu như không làm việc nữa, nếu có việc quan trọng cần làm thì sẽ đợi đến đêm khi con ngủ thì mò dậy làm. Mặc dù chưa đạt được môi trường can thiệp lý tưởng cho con, nhưng đó là phương án phù hợp nhất đối với gia đình mình và Bill trong thời gian này. Có thể một số người khác sẽ thấy như vậy là chưa đủ cho Bill, nhưng mình sợ bản thân mà ở nhà 100% thì sẽ bị stress đến độ không thể đối diện với con một cách tích cực nổi. Và mình biết ơn vì khi đó có người đã nói “Không sao cả, Bill có thể đợi một chút, khi nào mẹ Bill sẵn sàng ở bước nào thì hãy làm với con bước đó”.
Dần dần, mình cảm thấy việc thực hành “không phán xét” là một hành động cực kì quan trọng. Và ở mức độ chưa làm tốt được việc này ngay, thì mình cố gắng thực hiện việc “nghĩ tích cực hơn về người khác”. Lần trước, mình gặp bác của một bạn nhỏ tự kỉ đến gặp mình. Ngày đầu tiên mình shock vì cách bác ấy quát nạt và dọa đứa bé, vì lâu lắm rồi mình không tiếp xúc với ai đối xử với trẻ như thế cả. Sau vài phút đầu bật ra suy nghĩ “trời ơi, sao bác ấy lại nỡ làm thế?”, thì mình bắt đầu tìm hiểu kĩ hơn về bác và gia đình bạn nhỏ ấy. Khi biết bác đã chăm sóc bạn nhỏ ấy từ ngày mới sinh cho tới giờ là 9 tuổi, mình nghĩ “Bác ấy hẳn là yêu thương cậu bé lắm thì mới có thể đồng hành, chăm sóc con ngần ấy thời gian”. Với suy nghĩ ấy, mình và mọi người xung quanh nhìn bác với ánh mắt trìu mến hơn, cười đùa với bác, bảo với bác rằng “Bác thật là tuyệt vời khi có thể kiên nhẫn bên cậu bé như thế”, thể hiện cho bác thấy cách mình và mọi người tương tác với Bill, rồi sau này mới đến “Hay là bác thử nói chuyện nhẹ nhàng với cậu bé hơn chút xíu nhé, có lẽ cậu bé vẫn sẽ hiểu và thực hiện được thôi, không cần to tiếng đâu”. Dần dần, mình cảm nhận được sự thả lỏng và năng lượng tích cực đến từ bác, từ cậu bé, từ bản thân và cả những người xung quanh nữa.
Hôm trước, một người cô nói với mình rằng khi chúng ta phán xét tiêu cực về người khác, chúng ta mang sự thù ghét đặt lên cả người đó lẫn bản thân mình. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta nghĩ rằng “Ai cũng đang làm những điều mà họ tin là tốt nhất và họ có thể làm tốt nhất trong khả năng của mình. Họ chỉ cần thêm thời gian để tìm ra những cách làm tốt hơn. Vậy thì hãy cho họ thêm chút thời gian nữa chứ đừng phán xét hay chỉ trích”.