Hồi trước mình đã từng thấy rất nhiều gia đình dạy con rằng “Con phải ngoan thì mẹ mới yêu con. Nếu con hư thì sẽ không được ai yêu đâu”. Những câu giáo huấn với cấu trúc tương tự được áp dụng rất nhiều, chỉ thay từ “ngoan” bằng mục tiêu mà người nói đang hướng đến và thay từ “mẹ” bằng những người mà có lẽ đứa trẻ đang quan tâm đến. Thực ra đến giờ thỉnh thoảng Bon vẫn nhận được những lời giáo huấn kiểu này (chỉ là không phải do mẹ Bon nói thôi, hoặc mình có nói mà mình không nhớ chăng?). Bill thì may mắn là không bị nghe câu nói này, vì ngày trước thì mọi người nghĩ rằng Bill nghe cũng chẳng hiểu, còn giờ thì mình biết rằng dù có nghe hiểu thì chàng cũng kệ thôi.

Rồi có lần mình nghe được một câu rằng “Những tình yêu thực sự trên đời thì đều là yêu thương vô điều kiện”, và mình thực sự phải gật gù tán thưởng câu nói đó. Hẳn là tình yêu của cha mẹ đối với con cái, với tư cách là dạng thức yêu thương vĩ đại nhất trên đời, sẽ là dạng thể hiện rõ rệt nhất ý nghĩa của cụm từ “vô điều kiện” trong đó.

Trong những năm vừa rồi, khi biết rằng Bill là trẻ tự kỷ, hình như câu hỏi đầu tiên mà đa số những người quan tâm đến gia đình mình đều hỏi là “Tự kỷ à? Thế Bill có tài năng gì đặc biệt không? Những đứa trẻ như Bill thường sẽ có tài năng đặc biệt về lĩnh vực gì đó”. Lúc ấy mình chỉ cười và nói “Không, thực ra nhà em chưa tìm ra được tài năng đặc biệt của Bill là gì”. Không phải vợ chồng mình không quan tâm đến sự phát triển của con, mà chúng mình giữ quan điểm rằng chúng mình sẽ giúp Bill đương đầu với những khó khăn mà con đang gặp phải, còn sau này con đã học được cách tự giải quyết vấn đề của mình thì cả nhà sẽ cùng khám phá năng lực của con sau. Cách làm này dựa trên một số suy nghĩ cụ thể như sau:

- Tỉ lệ trẻ “thần đồng” quả thực rất ít, dù là đối tượng tự kỷ thì cũng vậy thôi. Mọi người lầm tưởng rằng trẻ tự kỷ nào cũng có tài năng đặc biệt là do (1) bình thường những chương trình truyền thông sẽ đưa tin rất nhiều về những người có tài năng đặc biệt, và nếu nó gắn với câu chuyện gì đó bi lụy thì càng đáng đưa tin hơn (như kiểu Lance Amstrong đạt nhiều giải Tour de France sau khi điều trị ung thư, hay chuyện cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia về xiếc); (2) trong rối loạn phổ tự kỷ quả thực có một nhóm trẻ được phân định là thể Asperger (tự kỷ chức năng cao) với IQ vượt trội và tài năng thực sự đáng xếp vào dạng thần đồng; (3) việc khẳng định trẻ tự kỷ có tài năng đặc biệt sẽ có tác dụng cân bằng tâm lý cho mọi người, và có lẽ là cả gia đình các bé, như một dạng bù đắp vào những khiếm khuyết mà các con đang có. Trên thực tế thì đa số trẻ tự kỷ sẽ gắn liền với chẩn đoán “chậm phát triển”. Đơn giản nhất là chắc chắn các bạn ấy sẽ chậm phát triển về giao tiếp xã hội, cái này thì trẻ tự kỷ nào cũng bị, vì nếu giao tiếp xã hội tốt thì bạn ấy đã chẳng nằm trong nhóm chẩn đoán tự kỷ. Rồi tùy thuộc vào các vấn đề khác mà các con dần dần sẽ rơi vào tình trạng chậm phát triển vận động tinh/ vận động thô/ ngôn ngữ. Ví dụ như Bill bị viêm da cơ địa, các đầu ngón tay của con bị bong tróc nứt nẻ vào mùa khô, bình thường có lẽ cảm giác ở 10 đầu ngón tay của con đều rất khó chịu so với những gì chúng ta vẫn cảm nhận được, nên việc phát triển Vận động tinh của con rất chậm. Một số trẻ khác thậm chí còn là dạng kết hợp của nhiều loại rối loạn phát triển. Có bạn là tự kỷ kèm chậm phát triển trí tuệ (tạm hiểu là IQ thấp, tỉ lệ này thực ra cũng không cao lắm). Có bạn là tự kỷ kèm tăng động (tỉ lệ này khá cao, và Bill là một trẻ ở thể này). Điều đáng mừng là Bill thuộc dạng có IQ tốt, trên trung bình (tức là hơn mức IQ trung bình của xã hội một chút xíu, nhưng không phải Asperger). Điều hơi đáng buồn là chàng ấy không vận dụng cái trí thông minh tàm tạm ấy vào những thứ bố mẹ/ thầy cô dạy chàng, mà vận dụng nó vào đủ trò lươn lẹo để tránh không phải thực hiện những thứ phải học ấy. Ví dụ như bố mẹ đặt món bánh chàng muốn lên kệ thật cao để chàng phải chỉ tay bằng ngón trỏ vào đồ vật, hoặc nói “bánh”, hoặc nói “xin”…thì sau vài lần đầu thực hiện, chàng sẽ tìm cách bê cái bàn vào sát chỗ đó, rồi chồng thêm cái ghế lên cái bàn, rồi trèo lên đó để tự lấy. Vậy là xong, khỏi phải nhờ vả bố mẹ làm gì cho mất công -_- Tuy nhiên, dù là trẻ tự kỷ chức năng cao hay chậm phát triển lĩnh vực nào đó, thì có một điểm chung là các bạn ấy thường có độ rập khuôn khá cao (kiểu tuân thủ nghiêm ngặt đúng quy trình và trật tự, không sai một ly nào) nên nếu các bạn ấy tập trung làm một việc gì đó thì thường sẽ đạt hiệu quả khá tốt. Có lẽ đây cũng là một dạng "tài năng" để thành công mà mọi người mong đợi chăng?

- Với vợ chồng mình, dù Bill không có tài năng đặc biệt thì con vẫn là con yêu của mình, mình vẫn sẽ yêu thương con hết mực, vậy thì việc tìm kiếm “tài năng đặc biệt” của con như một cách bù đắp vào  những thứ mà con còn thiếu hụt là điều không cần thiết. Nếu ai đó bị chấn thương ở chân và vẫn có cơ hội chữa trị, hẳn là họ sẽ dành thật nhiều công sức vào việc vật lý trị liệu để chữa khỏi cho đôi chân, chứ không phải ngay lập tức từ bỏ đôi chân ấy mà tập trung luyện hai cánh tay để thay thế chức năng của đôi chân, phải không? Mình vẫn tin rằng các vấn đề về rối loạn giác quan của Bill, năng lực giao tiếp xã hội và năng lực ngôn ngữ của Bill vẫn có thể cải thiện được, vậy thì mình sẽ bỏ công sức và thời gian để giải quyết những vấn đề ấy chứ không phải tập trung vào việc tìm kiếm xem con có tài năng âm nhạc hay thể thao không (dĩ nhiên Bill và em Bon có cơ hội luyện tập thể dục thể thao và nghe nhạc, nhiều là đằng khác, vì những hoạt động này tốt cho sự phát triển của mọi đứa trẻ).

- Mỗi đứa trẻ đều có quyền tự quyết định cho tương lai của chính mình. Bây giờ Bill mới 7 tuổi. Có thể 10 năm hoặc 15 năm nữa con sẽ tự xây dựng được năng lực cho chính mình và tìm được công việc mà con yêu thích. Mình không muốn tìm kiếm tài năng rồi “định hướng” cho con quá sớm để rồi chính bản thân mình tự xây nên một bức tường mang tên “kỳ vọng”. Do đặc thù làm trong ngành giáo dục, mình đã biết nhiều cha mẹ (có con là trẻ bình thường nhé, không phải trẻ tự kỷ) tự mình xây nên những bức tường mang tên “kỳ vọng” như thế, để rồi bức tường đó thực sự trở thành ngăn cách giữa mơ ước của đứa trẻ với con đường nó phải đi, và cũng ngăn cách luôn cha mẹ với đứa trẻ đó. Đơn giản là vì bố mẹ đã cho con học tiếng Anh từ nhỏ nên con phải học giỏi tiếng Anh và làm nghề gì đó sử dụng nhiều đến tiếng Anh. Hoặc vì đứa nhỏ sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghiên cứu Sinh học và Bác sỹ nên phải học giỏi sinh học, vào học một trường ĐH uy tín về Sinh học hoặc Y học, rồi ra trường làm việc ở viện nghiên cứu về Sinh học, hoặc làm bác sĩ, trong khi đứa bé ấy chỉ đam mê thời trang (xin thề rằng đây là chuyện thật 100%, do một cậu bé sinh viên năm nhất tâm sự với mình, một cậu bé có bộ sưu tập Giải quốc gia và thành phố này nọ về môn Sinh học. Mình nhớ rằng lúc ấy đã khuyên em cân nhắc việc từ bỏ hoàn toàn ngành Sinh học để theo đuổi thiết kế thời trang, mà có thể chuyển hướng sang nghiên cứu vật liệu may mặc và từ từ tìm hiểu sâu hơn về ngành thời trang)

Không biết 10 hay 15 năm nữa thì vợ chồng mình có bị sa vào cái bẫy “Định hướng” và “Kỳ vọng” vào con cái hay không. Lúc ấy, hy vọng bài viết này sẽ nhắc nhở chúng mình về tâm thế lúc này để bình tĩnh và tích cực hơn trên hành trình bên con tuổi trưởng thành.

BÀI HỌC SỐ 1: THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM CỦA BẢN THÂN